Monday, August 1, 2011

Monday, July 18, 2011

Bên Những Bờ Rừng / CHUYẾN TRIỆT XUẤT KHÓ QUÊN



Những năm cuối cùng của cuộc chiến, Cộng quân tràn ngập vùng cao nguyên. Chiến Đoàn 2 Xung Kích Sở Liên Lạc Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật trách nhiệm thâu thập tin tức tình báo cho Quân Đoàn 2, nhận lệnh nhảy toán thám sát thâu thập tin tức quân sự của những Sư đoàn chánh quy Cộng Sản Bắc Việt phía Bắc vùng DAKTO. 
Toán thám sát mang tên Hoàng Lôi gồm 6 ngưòi, 5 ngưòi Việt Nam và 1 người Sắc tộc. Đây là vùng trú đóng của địch quân cấp trung đoàn trở lên, sau 6 ngày trong khu vực hành quân thám sát, tránh né đụng địch và ngày thứ 6 là ngày triệt xuất theo lệnh Hành quân cho dù thời gian đã lâu nhưng tôi nhớ rất rõ hôm ấy thứ Bảy và khoãng 12 giờ trưa chúng tôi đã nghe tiếng trực thăng từ xa tiến vào vùng để triệt xuât toán, chúng tôi bố trí khu vực xung quanh bãi triệt xuất và 6 anh em chúng tôi đã nhanh nhẹn nhãy lên trực thăng một cách gọn gàng, Chiếc trực thăng vượt qua những cây lớn trong rừng, tôi thở phào nhẹ nhõm và móc bao thuốc Capstan định mồi lữa làm 1 điếu bỏ công nhịn thuốc từ hôm vô vùng đến nay, bổng nghe trên đầu tiếng cánh quạt chặt vào lá cây rừng, tôi nhìn về phía trước phòng lái một màu đỏ phủ kín đầy, màu của máu và đầu của Pilot chánh gục xuống. Tôi cũng không kiễm soát được thời gian bao lâu thì chân tôi mới chạm đất và phản ứng tự nhiên phải tìm đủ mọi cách tránh xa máy bay càng sớm càng tốt, vì biết máy bay khi bị rớt thì sẻ nổ, đủ loại động tác, bò, lết, chạy, cuối cùng rồi cũng rời khỏi chiếc máy bay bị rớt, tinh thần lúc này bắt đầu ổn định, nhìn chung quanh thấy Trung Sỉ Nam mang cây CAR-15 và ngưòi Biệt Kích Sắc tộc là Hil mang cây M79 phóng lựu, còn tôi đi tay không vì lúc máy bay rớt văng cây súng trên tàu lúc nào không hay, trong dây đạn tôi còn một máy cấp cứu URC10 mang ra xử dụng, có lẻ lúc va chạm mạnh nên máy chỉ nhận mà không phát được, tôi quyết định đi bộ về hướng Kontum tùy tình hình địch trong vùng, có lẽ vài ngày hoạc một tuần lễ sẻ ra khỏi khu vực . Sau khi nhắm hướng về Kontum thì cùng hướng với chiếc máy bay rớt, khi ghé qua chúng tôi gặp được thêm 5 anh em 3 Biệt Kích, Trung Sỉ Đăng, Long đất, Đổ Lai Tàu  và 2 xạ thủ của phi hành đoàn, máy truyền tin PRC-25 củng bị văng mất lúc rớt tàu từ lúc nào, riêng Đăng củng có máy một cấp cứu URC-10, máy của Đăng nói được mà nghe không được bèn nhập vô máy tôi lúc này liên lạc được với phi cơ quan sát trong vùng và báo cáo 2 người Pilot kẹt trong máy bay và bị trúng đạn có lẽ đã chết, lúc ấy chúng tôi đã đi được một khoảng xa và được nhận lệnh  bằng mọi gía phải đem xác 2 người Pilot về thế là chúng tôi phải quay lại chổ chiếc trực thăng bị rớt, nhưng vừa về đến chân đồi địch bắt đầu khai hỏa và quân số địch qúa đông nên chúng tôi đành phải chạy xa khu vực máy bay rớt, chúng tôi dự tính nếu không có phương tiện trực thăng chúng tôi di chuyển ra khỏi vùng bằng đường bộ tới đâu thì tới, sau khi di chuyển khoảng gần 1 giờ đồng hồ được máy bay quan sát thông báo 1 ngưòi Pilot đang đi về hướng chúng tôi coi chừng đừng bắn lầm, chúng tôi vừa di chuyển vừa chờ người Pilot anh có cầm theo 1 áo thun trắng cuối cùng cũng nhập bọn với chúng tôi là 9 người. di chuyển nhanh và chạy lên, xuống 3 ngọn đồi mới có 1 bải đáp. Bãi này không được rộng cho lắm, lúc bấy giờ mặt trời cũng đã về chiều và Toán được thông báo sẽ có 2 chuyến bay bốc chúng tôi chiếc thứ nhất sẽ bốc 3 Phi Hành Đoàn và 2 nhân viên tóan , chuyến thứ 2 sẽ bốc 4 ngưòi còn lại . Chúng tôi đồng ý và làm an ninh cho bãi đáp cùng lúc dặn dò nhau khi trực thăng xuống bãi, bằng mọi gía tất cả phài lên tàu rồi chuyện gì đó hạ hồi phân giải. Vì bãi đáp qúa nhỏ nên càng máy bay cách mặt đất khoãng hơn 1 thước. tất cả đều lên tàu riêng Trung Sĩ Nam vẫn còn kẹt ở dưới tòn teng dưới càng trực thăng, lúc ấy mấy anh em trên tàu nắm dây Stabo để giử tôi không rơi xuống đất, một tay tôi nắm cây đại liên giử thế, tay còn lại kéo dây đạn của Trung Sĩ Nam dồn hết sức lực và kéo quăng Trung Sĩ Nam lên sàn tàu và Nam nằm bất tỉnh vài phút sau mới hoàn hồn, phi hành đoàn ra khỏi bãi triệt xuất . Tất cả nhân viên Toán và Phi Hành Đoàn về thẳng Bộ Chỉ Huy  Quân Đoàn 2 lúc ấy nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ tối ngày thứ Bảy.

Thêm một chuyến đi lịch sữ của Toán Hoàng Lôi Chiến Đoàn 2 Xung Kích và Phi Hành Đoàn của Phi Đoàn 235 Sơn Dương Trực Thăng thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chiến Đoàn 2 Xung Kích Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật 

Xin đọc tiếp đoạn dưới bài Bên Những Bờ Rừng và Ngưòi Phi Công kẹt lại trên chiếc máy bay lâm nạn.







Nhân vội vã bước lên tàu, bên cạnh những hành khách rời cao nguyên đất đỏ leiku, trên chuyến bay C 47 chiều cuối tuần, bên cạnh anh là một cô gái Huế, cô hay nhìn lên bộ áo bay đã ngả màu của anh. Trên hàng ghế dựa hai bên thân tàu, mọi người ai nấy đã vào ghế ngồi, và thắt giây an toàn, con tàu tiến dần ra phi đạo.

Nhân nhìn đồng hồ, như một thói quen mỗi lần tàu cất cánh. Cô gái hỏi anh trong tiếng ồn của máy bay đang bắt đầu tăng tốc độ để cất cánh, chàng không nghe rõ câu hỏi, nhưng nhìn theo cử chỉ của cô gái, chàng trả lời: " 3 giờ 02 phút thưa cô".

Con tàu cố gắng vươn lên để lấy cao độ, hành khách bị lôi theo độ dốc của con tàu, mái tóc thề của cô gái bị gió đưa về phiá sau, che một phần áo bay đã bạc màu của chàng, trông thật dễ thương. Chàng để yên và ngửi thấy mùi thật êm dịu của tóc nàng. Cô gái quay lại xin lỗi, với vẻ thẹn thùng. Nhân mở đầu câu chuyện trong tiếng ồn của máy bay đang rền ở bên ngoài.

- Cô về đâu? ...

Cô gái đáp ngay như đã sẵn sàng từ lâu:

- Dạ em về Huế, thế còn anh?...

Tiếng cô gái thật tươi vui, Nhân nhìn kỹ hơn qua vai nàng, đôi mắt tròn với hàng lông mi đen dài, sóng mủi thon và đặc biệt làn môi như những quả đào đang mùa.

Nhân trả lời:

- Tôi cũng về Huế, nhưng chắc là không còn xe để ra Huế, khi tàu về đến Ðà Nẵng chiều nay.

Nàng trả lời nho nhỏ:

- Dạ ...

***

Nhân nhìn ra bên ngoài - nghĩ ngợi mông lung. Chàng nghĩ về những ngày ra Pleiku, nơi vùng đất đỏ, có đồi Cù-Hanh, có con phố nhỏ thật dịu hiền. Những chiều trong cơn lạnh của núi đồi cao nguyên, chúng bạn của Nhân thường hay ra phố, để tìm vui bên ly cà phê đen của quán "Dinh Ðiền", hay đi bách bộ trên con đường dốc đỏ, nhìn theo bóng của các cô gái vùng Tây Nguyên đang tha thướt với những chiếc áo dài. Nhân nghĩ về mấy tháng trước hồi còn ở Cần Thơ, phi trường Bình Thủy, nơi chàng đã sống bốn năm, bên dòng sông Hậu, với bao nhiêu vui buồn, với những chuyến bay đêm, những sớm mai bay dọc theo những hàng dừa xanh hai bên bờ kinh, băng qua những cánh đồng lúa. Nhân và các bạn của chàng thường cất cánh khi mọi người đang còn ngủ yên, để đến những điểm hẹn, trước lúc bình minh. Rồi những ngày ghé lại Tô Châu, Hà Tiên, bay dọc theo con kinh Vĩnh Tế. Có lúc ghé về Cà Mau, U-Minh nơi những đầm đầy những cây tràm, cây đước. Có một lần chàng đã thả toán tại mủi Cà Mau; phần đất cuối cùng của dải đất hình chử "S". Từ trên trời cao nhìn xuống một màu xanh tươi của vùng đồng bằng với những làn sương mai đang còn lảng vảng trên mặt đất.

Trong khung cảnh thanh bình đó, cũng đang ẩn dấu những trận chiến khốc liệt, và bao người tranh nhau từng tất đất chiếm ngự.

Chợt cô gái quay lại hỏi:

-Anh đang nghĩ gì mà có vẽ đăm chiêu như thế?

Cô ta đang chăm chăm nhìn vào khuôn mặt thiếu vắng nụ cười của Nhân, chàng trả lời:

-Tôi đang nghĩ về những ngày ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chàng và cô gái thật ngượng ngùng khi chưa biết được tên nhau, rồi chàng lên tiếng:

-Tôi tên Nhân, thế còn tên cô?

Cô gái có phần dạn dĩ hơn.

-Dạ em tên Hoá...

Nàng nói tên mình một cách rất tự nhiên và đang theo dõi người đối diện. Có lúc nàng bắt gặp ánh mắt của Nhân nhìn nàng, Hoá tỏ vẻ thẹn thùng, rồi cả hai bắt đầu những mẩu chuyện về mình, Hoá hỏi:

-Anh Nhân mới ra Pleiku?

Chàng trả lời trong niềm luyến tiếc:

-Vâng tôi ra Pleiku đã 3 tháng!... Thế còn Hoá?

Hoá cho biết nàng có người anh là một sĩ quan ngành Quân

Cảnh Tư Pháp (QCTP), đang đóng tại Pleiku, anh Trương

Hữu Lạc trưởng phòng QCTP Pleiku, Hoá nói:

-Em ghé thăm anh chị của em, và ở chơi với họ hơn một tháng; sau khi tan trường ở Huế.

Nhân cũng là học sinh của Huế, sau ngày Mậu Thân, chàng tình nguyện vào Quân chủng Không Quân để trở thành một Phi Công.Hoá đã bắt đầu dạn dĩ hơn, và câu chuyện mỗi lúc một vui hơn, rồi nàng quay qua hỏi Nhân:

-Anh Nhân có thường về thăm Huế không?

Nhân lắc đầu không nói, chàng nhớ ra mình đã ít về Huế, hầu như mỗi năm chỉ một lần. Chàng đã về Huế trước khi thuyên chuyễn lên Pleiku, lần này với lý do đặc biệt nên chàng lại được ghé thăm nhà 15 ngày trước khi trở lại đơn vị.

***

Trong tiếng ồn của con tàu chiều nay, Nhân im lặng nghĩ về một chuyến bay hai tuần trước đây (vào trung tuần tháng 6 năm 1974). Ngày đó chàng và Phương, một hoa tiêu về nước sau chàng nhưng đã lên Pleiku sau ngày về nước, còn chàng thì về trình diện Vùng IV, phục vụ nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số giờ bay của chàng trội hơn Phương, nhưng vì mới ra vùng cao nguyên nên Nhân phải ngồi ghế hoa tiêu phụ. Khi bay, Phương ngồi ghế hoa tiêu chính. Phương đã dí dỏm nói với Nhân khi ngồi vào ghế lái:

-Anh hôm nay là IP (huấn luyện viên) của Phương đấy nhé.

Nhân mỉm cười, vì ghế trái dành cho những IP (Instructor Pilot) của ngày nào tại các trường bay bên Mỹ; mà Phương và chàng đã trải qua trong thời gian huấn luyện hồi 69-70. Hôm ấy Phương và Nhân là phi hành đoàn thứ ba trong phi vụ thả toán. Trời vừa lờ mờ sáng cả đoàn trực thăng bay về đáp tại căn cứ thuộc lực lượng Lôi Hổ cạnh Biển Hồ trên đường đi Chu Pao. Trông nét mặt mọi người, ai nấy đều rất nghiêm trọng, vì tình hình hai toán Lôi Hổ vào lòng địch trước đây đã bị bắt, toán thứ ba vừa hoàn thành nhiệm vụ, thì bị phát giác, và đang trốn quanh căn cứ của Bộ Tư Lệnh tiền phương của địch; nằm sát biên giới Việt Lào. Phương và Nhân vào phòng hành quân để tham dự buổi thuyết trình của sĩ quan quân báo. Ai nấy đều im lặng, vì sứ mạng hôm nay là bằng mọi giá phải bốc cho được toán thám sát thứ ba này. Toán sáu người này, sáng nay đã liên lạc về cho biết là họ đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng suốt đêm qua đã phải ẩn náu quanh các trại của địch quân tiếp cận biên giới.

***

Những tháng cuối năm 1971, Nhân đã có dịp bay những phi vụ với các toán Lôi Hổ từ căn cứ B-15 tại Quãng Lợi. Họ được đưa lên phi trường Lộc Ninh, để thả xuống vùng tiếp cận biên giới Việt Miên. Ðây là lần đầu Út và Nhân tham dự vào việc thả toán. Út, một người đàn anh về phi đoàn trước chàng, trước đó Út và Nhân đã cùng bay với hợp đoàn của Mỹ, cho nên hai người không thấy có gì nghiêm trọng cả. Họ từng bay chung với một hoả lực hùng hậu, có hai chiếc Cobra, và hợp đoàn hai chiếc UH-1, với một OH-6 mà chàng thường gọi là máy bay hột vịt, đây là một loại máy bay rất hữu dụng trong môi trường, vừa có thể oanh kích và bắt sống. Trên vòm trời lúc ấy, còn có một máy bay điều động C&C và một máy bay thám thính L-19 để đánh trái khói. Út và Nhân thường băng qua biên giới để vào vùng Chipu phiá Bắc của Lộc Ninh hơn 60 dặm. Nhân chẳøng thấy có một chút e ngại nào, có lẽ vì "điếc nên không sợ súng chăng" ?... Bây giờ Út đã ra đi, còn Nhân thuyên chuyển ra Pleiku.

Tuần trước tại căn cứ Lực Lượng Ðặc Biệt này, Nhân đã được một anh em biệt kích cho chiếc áo tránh miểng lựu đạn, và chỉ cách lấy bột của lựu đạn cay, bỏ vào hộp đựng phim để phòng hờ cho việc mưu sinh. Hôm nay trở lại người anh em trong toán trinh sát đó vẫn còn đây, và đang chờ đợi cho chuyến nhảy toán kế tiếp. Những người lính thám sát này rất trẻ và vào lứa tuổi của em trai chàng. Trong khi những bạn đồng trang lứa với họ, đang vui sống phè phởn trong các đô thị, còn họ thì lặn lội trong chốn rừng đầy hiểm nguy, và không có dịp để nghĩ về tương lai của chính mình. Họ là những người lính âm thầm hoạt động trong những rừng sâu núi thẳm. Sau vài chuyến nhảy toán, họ được về thành phố sống vội, rồi trở lại căn trại nhỏ hẹp này để chuẩn bị đi vào lòng đất địch.

***

Hợp đoàn trực thăng cất cánh lên Kontum, chờ đợi phi vụ bay vào vùng biên giới. Ban truyền tin vẫn chưa nhậân được tín hiệu của toán sáu người đang len lỏi trong đám rừng già, nơi địch quân đang trú đóng. Mọi người được lệnh nghĩ để ăn trưa. Vị sĩ quan tiền sát cho biết: "Chắc đến 1 hay 2 giờ nửa mới có kế hoạch bốc, khi toán người này ra đến gần bãi đáp." Cả đoàn rủ nhau ra phố để dùng cơm trưa, sau đó Phương rủ anh em vào một quán nước nghèo nàn bên góc phố, uống cà phê để được tỉnh táo. Hôm ấy Phương tâm sự thật nhiều với Nhân, Phương đã tỏ bày những nỗi niềm của anh từ ngày anh xa vắng Sài Gòn, nơi người bạn gái anh hằng thư từ, và giao du trong những chuyến về phép. Phương nói về một mối tình của một cô nữ sinh, với anh. Anh cùng cô bạn gái ấy, từng một thuở ở mái trường Ðại Học với nhiều lần hẹn hò. Giờ đây với nghiệp bay trên vai, anh hẹn với người bạn gái ngày anh thuyên chuyển về lại Thủ Ðô. Ngày ấy cũng là lúc em học xong Ðại Học Sư Phạm. Họ đã ước hẹn một tương lai thật đẹp với nhau. Lúc ấy, nàng đi dạy học và chàng quay về với nàng sau mỗi chuyến bay. Họ sẽ sống với nhau đầm ấm bên các con của họ. Ðó cũng chính là những hình ảnh Phương và người bạn gái từng mong đợi. Họ sẽ thực hiện được ước mơ này, trong chuyến đổi về Sài Gòn vào dịp cuối năm này của Phương. Trong phi đoàn, Phương là người có một vóc dáng rất thư sinh, khuôn mặt với nước da trắng và nụ cười trên môi, anh được bạn bè quí mến, và tâm hồn luôn nghĩ về những niềm ước mơ của một nếp sống hạnh phúc thanh nhàn.

Hôm nay Phương và Nhân nhận lãnh phi vụ bay vào lòng địch để bốc toán thám sát sáu người. Ðáng lý ra, người bay chiếc số hai của phi vụ này là Huyên, nhưng hồi 1 giờ trưa Huyên đã nhận lệnh cất cánh đi tiếp tế tại một tiền đồn gần biên giới phía Tây Bắc Kontum. Phương và Nhân cùng xem lại các dụng cụ phi hành đem theo: chiếc bản đồ có đánh dấu toạ độ, và chiếc radio cấp cứu. Tuần trước Nhân tìm cách đổi chiếc radio của mình, vì chỉ chiếc radio cũ chỉ có phát, nhưng không nghe được tín hiệu. Phòng Tiếp Liệu Cấp Cứu Phi Hành không có radio khác để thay thế, nên anh đã tiếp tục đi bay với radio không nhận được tín hiệu Ðúng 3 giờ chiều, khi sĩ quan tiền sát báo cáo là, đã nhận được tin tức toán trinh sát đang trên đường tiến về phiá mục tiêu,

Nhân cất cánh rời phi trường Kontum. Trên vòm trời ngoài chiếc C&C của Ðại Úy Hoàng, còn có chiếc U-17 của sĩ quan tiền sát, hai chiếc GunShip, chiếc slick của Trung Úy Minh và Tuấn đi lead, chiếc của Phương và Nhân đi số hai. Nhân rời phi trường Kontum được 15 phút, bay về hướng biên giới Việt Lào, phiá Bắc của tiền đồn Charlie nơi Tr/tá Nguyễn Ðình Bảo đã ở lại vào mùa hè đỏ lửøa 1972. Nhân tiến sâu vào những vùng núi cao của dãy Trường Sơn, bên dưới phi cơ là những khu rừng dày đặc. Lâu lâu chàng thoáng thấy vài cánh chim đang bay lượn trên vòm trời hoang vắng này. Nhân đang tiến dần đến tọa độ điểm hẹn, tiếng của Ðại Úy Hoàng gọi trong vô tuyến:

-Số hai, vị trí bãi đáp bên phải của anh.

Nhân trả lời:

-Số hai, nghe năm.

Phương bảo Nhân: "Tôi thấy dấu trái khói trên bãi đáp bên phải của tôi, bác để tôi đáp cho...", Nhân trao cần lái cho Phương.

Khi con tàu đang hạ dần cao độ, Nhân nghe tiếng đạn AK-47 từ phiá dưới đất bắn lên, Phương báo cáo:

-Có ground fire!...

Bên kia vô tuyến Ð/uý Hoàng đáp lại:

-Số hai, có sao không?... Vào đáp đi!

Phương trả lời:

-Số hai, không sao. ... Nhận lệnh vào đáp.

Tiếng đạn bắn lên đã ngưng, con tàu tiếp tục tiến về hướng trái khói, và giảm dần tốc độ. Bãi đáp là một mảnh đất trống nằm lọt trong những rừng cây trên triền núi cao. Nhân thấy thêm một trái khói nữa vừa tung ra trên bãi đáp, và lố nhố những người lính thám sát đang đứng cạnh một thân cây mục giữa Bãi đáp. Trong suốt đoạn đường vào bãi đáp thật yên tĩnh, một thứ yên tĩnh rất đáng lo , vì lực lượng địch quân đang trú đóng quanh đây, và nơi này cũng là nơi gần bộ chỉ huy của họ. Con tàu chưa chạm đất hẳn, sáu người lính Lôi Hổ vội vàng nhảy lên. Phương đang giữ tàu ở vị thế

Hovering, và tiếp tục cất cánh. Nhân quan sát các đồng hồ, xong nhìn lên những thân cây cao trước con tàu. Ðấy là những thân cây cao chừng 30 mét , con tàu cố gắng ngoi lên khỏi đọt cây trong tư thế nhấc thẳng vội vã, Nhân vừa thở xoà khi vừa ra được khỏi bãi đáp.

Cùng lúc đó, có tiếng nổ chát chúa của đạn phòng không đang bắn trực xạ vào tàu, chàng nghe những tiếng bốp bốp bên phiá của Phương ngồi. Nhân thấy một lổ hổng thật lớn nơi cửa kính trước mặt của Phương, con tàu như khựng lại.

Chàng nhìn thấy Phương đã buông cần lái và đầu cúi gục xuống. Nhân chụp vào cần lái như một phản ứng tự nhiên, chàng cố kéo cần lái để nâng mũi chiếc tàu lên. Con tàu không còn sức nâng, cần Collective và Cyclic cứng ngắc. Hệ thống Hydraulic chắc đã bị trúng đạn!... Con tàu tiếp tục lao

xuống, Nhân cố kéo cần lái để bình phi. Hệ thống thủy điều đã bị phá vở nên cần lái trở nên nặng nề và rất khó điều khiển. Sau khi bình phi được rồi, con tàu lại đâm đầu xuống.

Mọi người trên tàu nhốn nháo, ai nấy đều ở trong trạng thái kinh hoàng.

Một thoáng suy nghĩ qua nhanh, Nhân cố gắng đưa con tàu áp vào núi, bề mặt vòng cánh quạt song song với độ dốc của núi. Con tàu cứ thế lao tới, và trước mặt là một thân cây to cao.

Hai cánh quạt chính chặt vào cây, cánh quạt trước đã nổ tan tành, thân tàu đã xen vào thân cây. Càng đáp bên trái vừa chạm đất, thân tàu bên ghế phải của Phương gác tựa vào thân cây, đồng thời là tiếng hú của máy thật lớn!...

Sáu anh Lôi Hổ vội vàng nhảy ra khỏi tàu, kéo cả Ðại (cơ Phi) và Tài (xạ Thủ) theo họ. Phương vẫn ngồi gục đầu trên ghế bay, Nhân tiếp tục lo tắt máy để hy vọng tắt đi tiếng ồn.

Chàng tắt nút xăng và mọi nút khác bật vào vị trí OFF, nhưng tiếng máy vẫn hú vang cả một vùng rừng, nghe ghê rợn như một con thú bị cắt tiết.

Nhân nhìn qua Phương một lần nữa, rồi chàng tháo nịt an toàn bước ra phiá sau, kéo theo cái túi bay. Từ phiá đằng sau ghế ngồi của Phương, chàng chồm lên phía trước Phương, cố gắng tháo dây nịt an toàn cho người bạn của mình. Nhân dùng hai tay xốc nách Phương và rán hết sức để kéo Phương ra, sau mấy lần cố gắng, nhưng không làm sao nhấc Phương ra khỏi chiếc ghế bay được. Nhân nhìn quanh để tìm người giúp, nhưng chung quanh chỉ còn lại mỗi mình chàng. Hai người cơ phi và xạ thủ cũng đã vội vàng đi theo các anh Lôi Hổ. Nhân đành bó tay, và có ý nghĩ rằng chính Phương đã không muốn chàng liên lụy trong hoàn cảnh gian nguy này.

Nhân nhìn lại Phương lần cuối, rồi quyết định lui bước ra phiá cửa sau để ra khỏi tàu!...

Khi đã ra khỏi tàu, Nhân quan sát kỹ tình trạng của con tàu, chiếc cánh quạt đuôi vẫn còn đang quay tít. Một cành cây đã đập vào phần sau máy cạnh ống khói, có lẽ đó là lý do tại sao tàu không tắt máy được. Nhìn ra bờ rừng thì cây cối dày đặc, tầm nhìn không quá 10 mét. Nhân lần bước tiến lên tìm một lối đi, chợt chàng nhìn thấy một cây súng cá nhân AR-15 không có đạn. Ai đó đã bỏ lại trên lối đi, Nhân cũng không màng lượm lên. Ði được một khoảng thời gian, cái túi bay trên tay chàng trở nên nặng nề, vì trong túi bay Nhân đã để dây nịt, dao, cây súng cá nhân P-38, cùng nón bay. Ðể khỏi vướng bận chàng chỉ lấy ra chiếc radio rồi dấu chiếc túi bên lối đi, như trút đi một gánh nặng. Nhân tiếp tục bước lên dốc núi, với đầu trần và chiếc áo bay Nomex hai mảnh trên người. Càng lúc chàng càng bước xa dần tiếng máy hú bên dưới triền dốc. Nhân cố chen qua đám rừng già, leo lên dốc được một khoảng khá xa. Tiếng hú vẫn còn ở bên dưới chân núi vọng lên. Chàng len lỏi tiến bước, bỗng thấy trước mặt một khoảng trống thật rộng. Nhân nhận ra một thân cây mục ở giữa trảng, chàng nhớ lại đây chính là bãi đáp mà trước đó hơn 20 phút Nhân đã bốc toán Lôi Hổ. Nhận ra vị trí này, Nhân vội nép mình sau một bụi trúc tương đối rậm, và nhìn ra khoảng trống quan sát. Trên vòm trời có tiếng của chiếc U-17 đang bay trên một độ cao. Chàng chợt nhớ tới cái radio trong túi quần, Nhân lôi nó ra và mở máy liên lạc.

-Mayday, Mayday, Mayday, Lạc-long 389 gọi Thiên-Sứ (danh hiệu của chiếc U-17 trên vòm trời) - Nếu bạn nghe được tiếng của tôi, xin lắc cánh. ...

Nhân lập lại một lần nữa, thì thấy chiếc U-17 lắc cánh. Chàng cởi chiếc áo bay, để cởi chiếc áo lót màu trắng có loang vết máu của Phương văng vào người chàng, lúc Phương bị trúng đạn. Nhân vội mặc lại áo bay, vừa kéo chiếc áo lót trải trên một khoảng trống để cho chiếc U-17 định ra vị trí của chàng trên bãi vừa đáp. Chiếc U-17 xuống thấp và nhận ra vị trí của chàng. Nhân bắt đầu báo cáo tình trạng của chàng dưới đất:

-Phương đã chết trên ghế lái, và xác còn ở lại trên tàu - Sáu anh Lôi Hổ đã dẫn theo Ðại và Tài, còn chỉ một mình tôi đang nằm cạnh bãi đáp. Khi chàng vừa nói tới đây thì thấy bên kia bờ rừng có bóng bốn người bước ra, Nhân vội thâu lại chiếc áo lót vào ngực, vặn nhỏ máy vô tuyến và gọi chiếc U-17:

-Thiên Sứ, yêu cầu bạn rời khỏi vùng để giữ an ninh cho tôi và các người bên dưới.

Gọi xong Nhân tắt máy, chiếc U-17 nghe điều này, vội vã rời khỏi vùng. Bốn người lạ từ bên kia bờ rừng đang tiến dần ra giữa trảng. Họ chia nhau ngồi trên khúc cây khô, rồi bắt đầu trò chuyện và chờ đợi. Nhân quan sát từng người trong bọn họ, chàng thấy người nào đầu tóc cũng được húi cao như mái tóc của lính tại Bộ Tư Lệnh, cùng với áo vàng quần xanh vải kaki Nam Ðịnh. Trên tay họ đang cầm súng cá nhân AR-15 loại ngắn nòng, dành cho những người lính Lôi Hổ. Nhân tự nhủ:

" Ðám này chính là những người lính Bắc Việt!... " Chàng vội nằm sát xuống đất không động đậy, mắt vẫn theo dõi những bóng người giữa bãi đáp. Không còn nghe tiếng máy bay ở trên trời nữa, bốn người lạ này vẫn ngồi chờ một hồi lâu. Bỗng dưng hai người trong bọn họ đứng dậy, và đi ngược dốc tiến về bờ cây để lùng tìm. Hai người này vừa đi vừa chĩa mũi súng vào các bụi cây, họ đi cặp theo bià của trảng, và dần đi về hướng bụi trúc nơi Nhân đang núp. Tiếng hú của chiếc máy bay bên dưới đồi vẫn còn vọng lên, nghe thật ghê rợn. Hai người lạ này, càng lúc càng tiến tới gần nơi Nhân ẩn núp. Trong tay của Nhân chỉ có chiếc radio cấp cứu!... Chàng không có vũ khí để tự vệ, thì làm sao để đối phó đây? ... Những ý tưởng vút nhanh trong đầu Nhân:

" Chắc là không còn hy vọng gặp lại gia đình nữa rồi!... Hoặc là bị bắn hay bị bắt như số phận của hai toán lính Lôi Hổ kia!... Có ai ngờ rằng chàng nằm lại nơi bìa rừng này!... Chắc là Mẹ chàng sẽ không còn nước mắt khi nghe hung tin này, ..." Nhân vẫn không quên mỗi lần về phép, Mẹ chàng thường ngồi tựa cửa sổ nhìn ra sân, như chờ đợi bóng dáng đứa con đầu lòng của Mẹ. Ðôi mắt mẹ chàng nhạt nhoà lệ, đã khóc oà lên khi nhìn thấy chàng từ đầu ngõ. Hai người lính Bắc Việt càng lúc càng tiến gần đến chỗ chàng nằm. Phiá bên kia bụi trúc có tiếng bước chân sột soạt, mỗi lúc một gần. Nhân như điếng cả người, thân thể chàng như dí xuống sát mặt đất, mắt vẫn không rời hai bóng người đang tiến lại gần. Chàng cúi sát mặt xuống nghe ngóng và chờ đợi, bỗng có tiếng từ giữa trảng vọng lên:

-Các đồng chí chờ chúng tôi.

Hai tên lính Bắc Việt quay trở lại trảng phía dưới đồi, để nhập cùng với đồng bọn. Nhân từ từ thở nhẹ, mắt vẫn không rời bốn bóng người đang vội vã hướng về con dốc phía dưới, nơi chiếc UH-1 đang hú lên vì mất đi đôi cánh. Bọn họ không ngờ rằng, vẫn còn có một người đang quan sát họ từng giây, từng phút.

***

Chờ cho bốn người kia đi đã khá xa, chàng đứng dậy và đi ngược lên về phía bên kia đồi. Chàng cảm thấy khát nước, nên với tay kéo các đọt trúc, cắn vào phần non, trắng, của lá tre, nhắp từng giọt nước hiếm hoi trong các đọt tre non này. Một lúc sau, chàng nhắm hướng Ðông-Nam (hướng Kontum) tiếp tục đi. Thuở nhỏ Nhân đã học được từ kinh nghiệm Hướng Ðạo, “dùng vết rêu trên thân cây để định hướng” bây giờ là lúc chàng áp dụng bài học mưu sinh thoát hiểm đường rừng. Nhân nhớ lại ngày nào tại vùng rừng Savannah bên Mỹ, chàng đã cùng đám bạn học khoá mưu sinh thoát hiểm đường rừng. Kết thúc cuộc thực tập mưu sinh thoát hiểm, mọi người cùng được ăn món cháo rắn do mấy anh Cán bộ đãi, sau một ngày tập dợt mệt nhọc. Rừng ngày đó thưa thớt, tầm mắt có thể thấy xa 50 mét, còn rừng Trường-Sơn thì dày đặc, 10 mét đã không còn thấy lối đi!...

Nhân mò mẫm qua đến được ngọn đồi thứ hai, bỗng chàng nghe nhiều tiếng lựu đạn nổ về phía con tàu. Chàng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra cho số phận của Phương?... Nhân lại tiếp tục lội trong đám rừng già. Có những khoảng rừng mây gai góc, Nhân phải tiến bước bằng cách đưa lưng ra phiá trước chịu đựng, để xông qua đám rừng mây phủ khắp lối đi này. Những cây gai hồng trong rừng móc vào mảnh vải Nomex chàng mặc trên người, nhưng chiếc áo bay vẫn dai dẳng chịu đựng như ý chí kiên trì của chàng.

Nhân vừa vượt qua khỏi khu rừng mây, thì thấy ngay trước mặt một bờ rừng thật trống toàn những thân tre. Chàng thấy quá trống trải nếu phải băng qua khu rừng tre này. Nghĩ vậy, Nhân tiếp tục bước cặp theo bờ rừng viền bên ngoài. Bên dưới những gốc tre, không một loại cây con nào có thể mọc, lá tre rụng trắng cả một bìa rừng. trong lúc đang tiến bước Nhân chợt nhận ra một cửa hầm cũ; phủ cây lá um tùm, chàng rụt rè bước qua cửa hầm.

***

Nhân chợt nghe đâu đó có tiếng suối nước chảy. Càng tiến lại gần, chàng nhận thấy những dấu đất đen, dấu vết của một sinh vật nào đó đã chuồi trên các lá tre khô trắng, để lộ ra các lớp đất đen bên dưới. Nhân tiến lên thận trọng hơn, mon men theo những dấu vết này, chàng còn nhận ra có một dấu vết, dường như ai vừa chôn một cái gì đó cạnh bên lối đi, không được khoả lấp kỹ lưỡng. Càng tiến bước, chàng càng nhận ra có nhiều dấu chân ngay hướng trước mặt mình. Bất chợt, chàng nghe có tiếng sạt sạt phía trước, Nhân vội cúi thấp người xuống vừa ẩn núp vừa quan sát. Chàng nhận thấy có nhiều bóng người thấp thoáng phiá trước. Chàng đếm được tất cả là 7 người, và quan sát những người này từ đầu đến chân. Tất cả bọn họ đầu để tóc dài, và thắt một miếng vải xanh kaki, trên lưng có mang túi ba-lô và nhiều bình biđông nước. Nhìn xuống đất, chàng nhận ra các dấu giày của lính Cộng Hoà, Nhân quyết định nằm rạp xuống, và gọi vọng lên phiá trước:

-Các anh Lôi Hổ ơi, ... Trung Úy Nhân đây, chờ tôi đi với. ...

Nhân nghe một loạt tiếng đạn lên nòng, những bóng người phía trước chàng đều ngồi xuống trong tư thế sẵn sàng tác xạ, mũi súng hướng về phiá chàng, quơ qua, quơ lại. Nếu họ thấy bất cứ một di động nào, là họ sẽ nổ súng ngay. Nhân nằm sát đất, không động đậy, chờ một giây lát, rồi chàng lại lên tiếng gọi một lần nữa:

-Các anh Lôi Hổ. ... Trung Úy Nhân đây, ... chờ tôi đi với.

Trong rừng tiếng bị dội cho nên họ không định hướng được nơi xuất phát của âm thanh. Hai người đi sau cùng của toán là Ðại và Tài nhận ra tiếng của Nhân, nên Ðại đã la lên:

-Trung Úy Nhân đây rồi, ... Ðừng bắn, đừng bắn. ..

Lúc ấy Ðại đứng hẳn dậy, trong khi các người khác vẫn ghìm súng hướng về phiá tiếng vọng với tư thế sẵn sàng bóp cò nếu có gì nguy hiểm.

Nhân cất tiếng gọi lần thứ ba, rồi từ từ đứng lên. Ðại và Tài nhận ra Nhân, hai người ùa lại phía chàng và la lên:

-Ðừng bắn, đừng bắn. ..

Mọi người hú vía, vì trong rừng già, bất cứ một vật gì nghi ngờ lay động, vật này cũng có thể là mục tiêu để mọi người bóp cò. Ðại và Tài còn đeo cây Colt-45 của họ, còn Nhân thì đã để cây súng P-38 của mình trong tuí bay, cái tuí bay này đã nằm lại bên một bìa rừng!....

Trưởng toán Lôi Hổ là một Chuẩn Úy mới ra trường, anh Liêm xuất thân từ trường Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Gặp Nhân mọi người rất mừng, và tỏ bày ân hận là suýt nữa đã bóp cò. Người Chuẩn Úy trưởng toán còn cho biết đây là chuyến nhảy toán thứ ba của anh từ ngày ra đơn vị, anh lo lắng hỏi Nhân:

-Liệu có ai đến bốc mình không Trung Úy?

Nhân nhìn đồng hồ, đã 5:30 giờ chiều rồi, chàng nói:

-Các anh yên tâm. Ở nhà sẽ tìm cách bốc chúng ta ngay chiều nay.

Nhân nói như một phản ứng tự nhiên, và chàng chẳng biết sự thực sẽ được như vậy hay không?

Người trưởng toán thám sát đưa cho chàng bình bi-đông nước và dặn dò:

-Trung Úy uống từng ngụm nhỏ, và từ từ thôi, nếu không ông sẽ bị ngất xỉu đó. Chàng nhận bình bi-đông nước và làm theo lời của người trưởng toán, chợt Nhân nhớ ra các tiếng nổ lựu đạn, lúc nãy chàng nghe khi còn ở trong rừng, chàng hỏi:

-Sau lúc tàu rớt khoảng 1 tiếng, tôi nghe nhiều tiếng lựu đạn nổ về phía con tàu đang hú. Các anh có nghe thấy các tiếng nổ này không? Người trưởng toán kể lại:

-Ðó là tiếng lựu đạn do tụi em ném. Chúng em được lệnh phải trở lại tàu để tìm bốc Trung Úy, nhưng khi tiến gần tới con tàu, tụi em thấy có bóng bốn người đang đứng cạnh tàu, nên đã tung cả chục trái lựu đạn mini, bởi vậy Trung Úy mới bắt kịp tụi em, chứ không tụi em đã rút ra xa rồi. Nhân buột miệng:

-Thì ra là thế!...

Mọi người tiếp tục di chuyển băng qua một ngọn đồi đầy những giây leo chằng chịt. Cả bọn cũng khá vất vả, và đang dần đi xuống dốc để đi qua một ngọn đồi khác. Chợt mọi người thấy có một con đường mòn trước mặt. Tất cả tìm cách băng qua con đường mòn này, các anh trong toán thám sát chuẩn bị theo lệnh của người trưởng toán, Nhân, Tài và Ðại cùng bám sát theo người Chuẩn Úy trẻ tuổi này. Anh Trung Sĩ nằm núp gần con lộ nhất, từ chỗ núp anh chọi một hòn đá ra giữa đường và chờ đợi. Mọi người đều im thin thít. Nhân quan sát con lộ, đây là một con đường đất đỏ, do

xe Công Binh đã xén núi mở đường, bề ngang con lộ đủ để hai chiếc xe cam-nhông có thể chạy ngược chiều nhau. Một bên bờ vách đất đỏ cao nghệu, còn bên kia là vực núi. Sau vài lần chọi đá dò dẩm mà không thấy một động tĩnh, cả toán bắt đầu rời chỗ núp, cùng leo lên con đường đất đỏ. Tài và Ðại đi theo người thứ ba và thứ tư leo lên đường, Nhân đi theo người trưởng toán cùng người cận vệ. Anh trưởng toán cùng với Nhân leo lên bờ tường đất trước mặt, hai ngón tay Nhân còn đeo lủng lẳng cái bình bi-đông nước, chàng cố gắng bám vào các rễ cây để leo lên. Leo được 2/3 bức tường đất, Nhân làm tuột mất bình bi-đông nước;!... Chiếc bi đông lăn ra ở giữa lộ, phía sau lưng chàng không còn ai bên dưới cả. Nhân nhìn qua anh trưởng toán, anh ra dấu, đừng bận tâm nữa, Nhân gật đầu hiểu ý và tiếp tục leo lên theo người trưởng toán và anh cận vệ của anh.

Vượt khỏi bờ tường đất xong cả đoàn lại nhắm hướng Ðông-Nam tiến bước. Chưa đầy 10 phút sau cả bọn phải dừng lại vì cơn mưa lớn đang kéo tới. Mọi người chia nhau ngồi dưới các gốc cây để trú mưa, anh trưởng toán cùng ngồi chung với Nhân dưới một gốc cây to. Cơn mưa trút nước xối xả, cả bọn ngồi co quắp lại cho đỡ ướt và đỡ lạnh. Nhân nhìn những giọt nước mưa chảy dài trên các lá cây trước mặt, chàng nghĩ bâng quơ về các chuyện vừa xảy ra trước đó. Người Chuẩn Úy trưởng toán ngắt điếu thuốc Captain làm hai, trao cho Nhân một nửa và cùng châm lửa hút. Chàng rít một hơi thật dài, như thêm hơi ấm, để chống lại cái rét mướt của núi rừng. Tinh thần chàng cảm thấy sảng khoái, một thứ thú vị mà chàng không thể nào quên. Cơn mưa vẫn dai dẳng trút nước, Nhân co ro tìm hơi ấm qua nửa điếu thuốc được chia sẻ của người bạn đồng hành. Bỗng dưng có tiếng xe đang chạy bên dưới, người trưởng toán ra dấu hiệu cho cả bọn ngồi im, và cố nép sát vào gốc cây để tìm sự che chắn. Bên dưới có một đoàn xe đang chạy, đoàn xe này bỗng dưng dừng lại. Nhân nghe có tiếng súng AK lên đạn, và tiếng người quát lên vọng về phía bức tường đất nơi còn để lại các vết giày và chiếc bi-đông lăn ra giữa lộ. Bọn chàng ngồi co rút bên các gốc cây và không rời chỗ núp. Có tiếng AK nổ lên hằng loạt trong cơn mưa vẫn nặng hạt. Ðiếu thuốc đã tàn từ lúc nào trên tay chàng, Nhân ngồi cạnh người trưởng toán, chàng tin tưởng về sự đối phó của toán người trẻ này. Nhân chỉ biết sơ qua trong thời gian thụ huấn quân sự ở trường, và chưa bao giờ đụng trận để có những kinh nghiệm như các bạn trẻ này. Khi đi rừng họ rất giữ kỷ luật, và rất rành rẽ về bổn phận của mình. Tài và Ðại cũng bám sát theo các bạn đồng hành đầy kinh nghiệm này, trong tay thủ sẳn cây Colt-45 của mình. Mười phút sau có tiếng máy xe rú ga hằng loạt súng bắn lên. Rồi đoàn xe lại tiếp tục lăn bánh, may cho bọn Nhân là bọn chúng không leo lên, lần theo dấu vết để lục soát và truy lùng. Anh trưởng toán ra dấu cho cả bọn tiếp tục hành trình trong cơn mưa chiều, nhờ cơn mưa và rừng rậm nên sự di chuyển có phần an toàn hơn. Người trưởng toán đưa chiếc radio cấp cứu của anh cho Nhân và nhờ gọi máy bay, chàng vừa bật nút công tắc lên đã nghe tiếng:

- .....Yêu cầu các bạn lên tiếng nếu không chúng tôi sẽ quay về.

Nhân vội đáp lời:

-Mayday, Mayday, Mayday, Lạc Long 389 nghe bạn rõ.

Mọi người ai nấy mừng rỡ, anh Chuẩn Úy lo lắng hỏi Nhân:

-Liệu họ có bốc mình ngay chiều nay không Trung Úy?...

Chàng gật đầu đáp:

-Hy vọng có chúng tôi ở đây, họ sẽ cố gắng bốc ngay chiều nay.

Chiếc máy bay L-19 đã nghe được tín hiệu của chàng, nên hỏi tiếp:

-Các bạn có thấy chiếc tàu bay nào trên không phận không? Nhân đáp lại:

-Chúng tôi đang ở bên duới, phiá cánh bên phải của anh.Nhân kêu mọi người:

-Mọi người trải các tấm panô vải màu cam lên trên các tàng cây để đánh dấu vị trí của mình. Xong Nhân gọi:

-Bạn có thấy những tấm vải panô màu cam chúng tôi đánh dấu không?

-OK... Chúng tôi đã nhận ra vị trí của bạn.

Chiếc L-19 reo lên trong chiếc radio tìm cứu, Nhân nói tiếp :

-Các bạn trên L-19 cho biết chỉ thị đi!...

Nhìn con tàu như cánh chuồn chuồn trên vòm trời chiều ảm đạm dưới cơn mưa, Nhân xót xa thương cảm cho những người bạn đang xả thân đi vào vùng binh lửa, để cứu vớt bạn đồng đội mình.

-Lạc Long, yêu cầu các bạn tiến về hướng Tây 50 mét, xong rẽ phải và chờ chỉ thị kế tiếp.Nhân thấy trời sắp tối rồi, nên vội đáp :

-Lạc Long nghe năm. Nhưng tôi yêu cầu bạn bay thấp, và định hướng cho chúng tôi di chuyển thì nhanh hơn. Bạn nghe rõ trả lời?... Sau vài phút chờ đợi, chiếc L-19 bay thấp qua đầu Nhân để chỉ hướng ra bãi bốc. Mọi người cùng chạy vội theo hướng chỉ dẫn này. Bãi bốc là một vùng đất khá rộng, chung quanh còn thấy các hố bom. Nhân và mọi người lựa một chỗ khá trống trải để làm bãi đáp.

-Lạc Long, bạn cho thả trái khói để trực thăng đến bốc các bạn

-Lạc Long, nghe năm trên năm.

Người trưởng toán Lôi hổ nghe theo liền tung ra trái khói đỏ, rồi một người nữa tung thêm một trái khói đỏ khi nghe tiếng trực thăng tiến lại gần.

-L-19, chúng tôi đã đánh dấu khói đỏ tại bãi đáp.

-Lạc Long, trực thăng đã thấy bãi đáp. Chúc các bạn An Lành trở về.

-L-19, cám ơn sự giúp đỡ của bạn.

Nhân quay lại nhìn những người đồng hành với mình, Ðại và Tài bám sát kế bên, trong khi đó toán Lôi Hổ canh gác bãi đáp. Nhân nhìn đồng hồ đã 7 giờ 50 tối, chỉ cần 10 phút nữa là trời sẽ tối hẳn, sẽ không còn sự an toàn để việc thực hiện việc tìm cứu như thế này. Nhân e ngại nhìn chiếc trực thăng đang tiến vào bãi đáp chật hẹp, bên dưới nhiều cây con lô nhô chĩa ngang chĩa dọc. Chiếc trực thăng tìm cứu từ từ hạ xuống, nhưng vẫn giữ ở vị thế hovering, để cả chín người cùng leo lên: Nhân, Tài, Ðại và sáu anh lính Lôi Hổ sau cùng đã lên tàu. Các anh em cơ-phi và xạ thủ trên tàu clear chung quanh để tàu cất cánh, và họ cũng không quên bắn hằng loạt đạn M60 vào bìa rừng, để uy hiếp. Nhân nhìn qua ghế lái thấy Trung Úy Nguyễn Ðình Minh, trưởng phi cơ và Lâm Minh Tuấn hoa tiêu phó. Khi tàu lấy được cao độ an toàn, Minh báo cáo trên vô tuyến xong rồi trao cần lái cho Tuấn. Minh nhìn mọi người tươi nụ cười hiền hòa. Minh quay ra sau bắt tay Nhân và Chuẩn Úy Liêm trưởng toán Lôi Hổ đang đứng sau lưng ghế lái. Tàu đổi hướng đi thẳng về Pleiku thay vì về đáp tại Kontum.

***

Miêng mang trong những kỷ niệm, Nhân quên cả thực tại, thời gian và không gian, quên cả sự hiện hữu của các hành khách trên chuyến C47 chiều nay. Bên cạnh anh cô Hoá vẫn thăm dò những cử chỉ và chờ đợi, rồi nàng cất tiếng:

- Anh đang miêng mang chuyện gì mà nét mặêt buồn vậy?...Nhân như được đánh thức trở lại với thực tại, và đáp lời cô gái:

- Tôi đã nghĩ về sự mất mát trong chiến tranh, và những chia cách của những người tình của “Lính”, và gia-đình của họ qua một phi vụ hai tuần trước đây.

- Anh kể lại cho Hoá nghe với.

Chàng gật đầu như thoả thuận. Chàng hứa hẹn với Hoá là sẽ kể trong những ngày ghé Huế, về những kỷ niệm trong phi vụ ấy, một chuyến bay với bao hiểm nguy, đã mất đi một người bạn - một chiến hữu và một con tàu. Chiếc C47 bắt đầu giảm tốc độ và chuẩn bị để đáp, con tàu sau khi lượn một vòng qua thành phố đã hạ cánh đáp nhẹ nhàng trên phi đạo, và đang tiến qua taxiway để vào đậu cạnh khu hàng hoá của trạm Hàng Không Quân Sự Ðà Nẵng. Hành khách theo nhau xuống tàu, Nhân chợt thấy một chiếc xe pickup màu xanh Không Quân chạy ra, chàng nhận ra Trung Úy Kim, một người bạn cùng khoá 7/68 Không Quân, anh cho xe chạy gần lại. Nhân nói nhỏ với Hoá:

- Hoá chờ một chút, để tôi nhờ anh Kim đưa chúng mình ra phố. Nàng gật đầu, và cố nán lại gần bên chàng thay vì đi theo những hành khách để đi vào trong. Kim thấy Nhân cùng cô gái nên reo lên chào hỏi:

- Anh Nhân khoá 7/68 KQ đó phải không? Nhân trả lời:

- Nhân đây, Anh khoẻ không?

Kim gật đầu và nói:

- Anh chị đứng đây chờ tôi một chút nghe, để tôi ghé qua nói với phi hành đoàn, đểø cho hành khách lên, và họ sẻ bay trở về lại Sài Gòn ngay.

Nhân ghé qua Hoá nói:

- Anh Kim là bạn cùng nhập ngũ vào Không Quân, và hiện là trưởng trạm Hàng Không Quân Sự của phi trường Ðà Nẵng.

Nàng cúi đầu chào:

- Hoá chào anh Kim.

Kim chào và tiến về phiá phi hành đoàn vừa xuống tàu. Nhân hỏi thăm nàng:

- Chiều nay em về đâu?

Hoá trả lời:

- Em định ghé lại nhà người bà con ở đường Phan Thanh Giản, và sáng mai em đón xe ra Huế, còn anh?... Chàng trả lời:

- Tôi đi thăm mấy người bạn, và hẹn gặp lại Hoá tại Huế.Hoá viết điạ chỉ của gia-đình ở Huế trên tấm giấy nhỏ và đưa cho chàng:

- Ðây là điạ chỉ của em ở Huế, khi anh ra Huế mời anh ghé thăm.Chàng nhận mảnh giấy nhét vào túi áo bay và nói:

- Ngày mốt anh (bổng dưng chàng đổi cách xưng hô) ghé lại được không?

Nàng trả lời:

- Dạ được, em sẽ chờ anh...Chàng hứa hẹn:

- Anh sẽ đưa em đi thăm vùng Kim-Long, Thiên-Mụ và ghé quán bánh bèo bên dưới chân đồi Thiên-Mụ.Nàng cũng không quên nhắc chàng:

- Và nhớ kể lại chuyến phi vụ làm anh buồn nữa nghe, em chờ anh đó.Nhân gật đầu và đưa tay ra – như lối bắt tay của lính – Hoá cũng đưa tay ra bắt và họ ngầm như có một thoả ước. Nhân thấy xe của Kim tiến lại gần chào nói:

- Nhân và chị lên xe, tôi đưa ra phố...

Nhân và Hoá gật đầu cảm ơn, và ngồi vào băng ghế phía trước với Kim, xong chàng lên tiếng hỏi Kim:

- Anh ở lại làm việc trể quá vậy!

Kim đáp lại:

- Anh chị biết không, giờ giấc của chúng tôi bất thường lắm, chúng tôi tùy thuộc vào phương tiện theo các chuyến bay ghé đáp và rời Ðà Nẵng, để xếp đặt di chuyễn hàng hóa, quân nhân và gia-đình.Kim nói tiếp:

- Tôi đã liên lạc máy và cho hành khách ra tàu rồi. Nhân thấy một xe buýt chở hành khách tiến về chiếc C47. Kim nán chờ cho đến khi các hành khách lên tàu xong, chiếc C47 đóng cửa và mở máy cất cánh lúc ấy Kim mới cho xe chạy, chàng quay qua:

- Xin lổi Nhân và chị nghe, tôi đã bắt hai người phải chờ, anh chàng cũng dí dỏm:

- Lâu quá hôm nay mới được làm tài xế cho ông bạn phi-công và chị đây!...Nhân xoay qua:

- Anh xong việc chưa? Nếu xong chúng ta ghé ra phố chơi được không anh Kim?...Kim trả lời:

- Tôi sẽ đưa anh chị đi!...

Hoá xen vào:

- Xin anh cho Hoá xuống đường Phan Thanh Giản, để hai anh chuyện trò lâu ngày gặp lại!...Nhân cũng phụ hoạ vào:

- Anh Kim, chắc Hoá cũng mệt với chuyến bay vưà rồi, anh chiều theo ý của cô, sau đó chúng ta đi phố.

Kim Tiếp:

- Tiếc quá, mấy khi gặp được Nhân và chị đây!...

Nhân tiếp lời cho Hoá:

- Không sao, còn nhiều dịp mà - phải không Hoá?...Kim cho xe rẽ qua đường Phan Thanh Giản, Hoá chỉ một căn phố gần ngã tư, Kim hiểu ý và tấp vào lề; dừng lại trước căn phố. Nàng cất tiếng:

- Hoá chào tạm biệt; hai anh đi chơi vui nghe, Hoá chào anh Kim...

Nhân vói tay qua mở cửa xe, Nàng và Nhân bước xuống. Nàng quay qua Nhân:

- Ngày mốt em chờ anh tại nhà mẹ em ở Huế, anh nhớ nghe?...

Nhân gật đầu, đưa tay ra bắt, cô nàng cũng đưa tay ra bắt và siết nhẹ với đôi mắt long lanh, và nụ cười hiền hoà. Chờ cho cô gái khuất vào trong nhà xong, Nhân lên xe, Kim cho xe chạy ra bến Bạch Ðằng và đậu bên một quán cặp bờ nước. Hôm ấy cả hai đã có dịp chuyện trò về những buồn vui của đời lính, về thân phận của mình trong từng vị trí hiện hữu, Kim cũng kể lại những cảm nghĩ vui buồn, và nhất là

những mất mát mà anh đã chứng kiến trong những trận pháo kích vào phi trường vào đơn vị của anh. Hôm nay gặp lại bạn cũ họ đã vui tạm qua một chầu rượu, đễ rồi sau đó ai nấy trở lại với thực tại, với bổn phận và trách nhiệm của mình.

***

Trong hơi men Nhân nhìn ra bờ nước nơi những ánh đèn chập chờn, chàng lại đắm vào những miêng mang của phi vụ hiểm nguy trước đây, nhìn qua bóng đêm nơi xa kia là dảy Trường Sơn, phiá xa xa thành phố nhà nhà đã lên đèn. Trên trời cao những vì sao đã lấp lánh, bên dưới là dãy Trường Sơn, với những bờ rừng âm u đang chìm khuất trong bóng đêm đen như mực. Nhân vẫn không tưởng tượng được phi vụ hiểm nguy ấy là có thật. Trung Úy Phan Văn Phương đã vĩnh viễn nằm lại dưới cánh rừng âm u kia. Ở Sàigòn, vào lúc này, vẫn còn một cô giáo đang chờ đợi Phương trở về, với lời ước hẹn sẽ cùng xây tổ ấm nơi phố thị vào dịp hoán chuyển cuối năm. Giờ đây người Không quân tác chiến này không bao giờ thực hiện được lời ước hẹn này với cô!... Chiến tranh và số mệnh đã lấy đi tất cả những ước hẹn của Phương và một cô giáo đang mong chờ Phương. Chiến tranh cũng đang thản nhiên lấy đi một người bạn hiền của Nhân, và đang đổ sự tang tóc oan nghiệt đến gia đình Phan Văn Phương!.... Trung uý Phan Văn Phương bình thản, xuôi tay trong con tàu của mình, sau một phi vụ không hề biết trước được lúc kết thúc. Phan Văn Phương để lại sinh mạng của mình ở chiến trường Tây Nguyên, như bao anh hùng của thời đại, Nguyễn Ðình Bảo, Nguyễn văn Ðương, và nhiều người khác nữa ... Những anh hùng không tiếc một điều gì cho đất nước, cho dân tộc, cho những chiến tích muôn đời nơi vùng biên giới này. Nguyện cầu cho Phan Văn Phương sẽ hoá thành một loài chim trên vòm trời xanh thật an bình. Nơi vùng trời này sẽ không còn hận thù, không còn những nổi niềm đau xót về đất nước, về thân phận con người, về số phận quá mong manh trước chiến tranh và bom đạn điêu linh.



Phan Minh

Thursday, June 2, 2011

Đại tá Nguyễn Mạnh Tường


Trước đây khoảng hơn một năm, khi anh Nguyễn Mạnh Tường -Đại tá NM Tường-  từ San Diego tới trú ở Moss Beach,CA-  tôi có đến thăm anh vài lần. Nhắc lại hồi 2005 tôi đến đón anh ở San Diego đi dự buổi họp của chiến hữu NKT ở Orange County, anh Tường có nói chừng nào có tổ chức họp mặt ở San Jose, chúng mình sẽ tới gặp lại anh em cũ. Năm nay 2011 có Tiểu Hội NKT ở San Jose nhưng anh Tường lại không thể đến!
Tôi xin được kể đôi chút về Nguyễn Mạnh Tường. Đã có những bài báo nói về Mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường thời gian anh phục vụ tại Phú Yên, nhưng chưa có ai biết anh đã làm những gì cho SLL nói riêng và cho NKT nói chung. Tôi xin được bổ túc phần nào về thời gian Tường ở SLL và NKT.
......
Sau CáchMạng 1963, Đại Tá Hồ Tiêu về làm CHT SLL, lúc đầu Đại Tá mang về SLL một số sĩ quan nhảy dù trong đó có tôi, các Đại úy Nguyễn Viết Cần, Nguyễn Thế Phồn, Nguyễn Văn Thanh, các Trung úy Trần Lưu Huân, Trần Thụy Ly, các Thiếu úy Văn Thạch Bích, Lê Minh, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Hải Triều, Vương Vĩnh Phát, Phan Nhật Văn, Nguyễn Văn Am...vv...Từ các đơn vị không phải nhảy dù có Trung Tá Ngô Văn Hùng CHP, Đại úy Hào, Đại úy Trung, Trung úy Lê Quang Tiềm, Thiếu úy Nguyễn Cẩm, Thiếu úy Bùi Minh...vv.  
Khởi đầu Đại Tá HT đã chịu nhiều áp lực để tiếp tục công tác mật vụ của Sở Nam. Đại Tá HT có Trung Tá Ngô Văn Hùng làm CHP lo việc cải tổ để có thể tiếp nối sứ mệnh của Sở Nam. Ngoài Trung Tá Hùng còn có các Sĩ quan từng quen việc Phòng Nhì và An Ninh như Đại úy Phồn, Đại Úy Hào, Đại Trung, Thiếu úy Triều, Thiếu úy Bùi Minh....
Tháng 1-1964 tôi mới về trình diện SLL và gặp Tường là TP3 của Sở, tôi làm Phụ Tá TP2 cho Nguyễn Viết Cần. Trong thời gian này, tôi được chỉ thị hợp tác với TP3 Nguyễn Mạnh Tường để hoàn tất kế hoạch hành quân Hạ Lào. Anh Cần rời SLL khoảng tháng 2 hay 3-1964 và tôi thay anh ấy ở chức vụ TP2.
Sau khi tôi nhận chức vụ TP2/SLL từ Đại úy Cần, một hôm mở kho lưu trữ những tài liệu của Sở Nam tập trung về BCH/SLL, tôi đã thấy những hồ sơ của các chính khách VN mà tên tuổi đã được nhắc tới trên báo chí như Nguyễn Tường Tam,  Trần Quốc Bửu, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Hương...vv.., gần như  hầu hết các chính khách tên tuổi vào thời ấy đều có một hồ sơ cá nhân rất chi tiết. Điều bất ngờ là có cả hồ sơ về Nguyễn Mạnh Tường và Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu! Tôi có kể chuyện này cho Tường. Chúng tôi trao đổi ý kiến và đều đồng ý không muốn SLL theo đường lối cũ của ĐT Lê Quang Tung.
Tôi trình sự việc lên ĐT HT và được chỉ thị lựa một số hồ sơ để Đại Tá coi. Một tuần sau, tôi được gọi lên văn phòng CHT, buổi họp có mặt Đại Tá CHT, CHP Ngô Văn Hùng và tôi. Trung Tá Hùng đựợc hỏi ý kiến trước về kho tài liệu của Sở Nam. Trung Tá Hùng rất phấn khởi cho rằng số tài liệu trên giúp ích rất nhiều trong việc cải tổ để tiếp tục trách nhiệm của Sở Nam. Được hỏi ý kiến, tôi trình rằng tôi chỉ được huấn luyện và có chút kinh nghiệm về Tình Báo Chiến Trường, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về công tác Mật Vụ -nôm na là theo dõi, bắt bớ, thẩm vấn khai thác phạm nhân. Nếu quyết định của CHT theo đường hướng tái lập Sở Nam thì tôi xin được thay thế bằng ĐU Hào hay ĐU Trung là những người có nhiều kinh nghiệm hơn.
Buổi họp kết thúc không biết quyết định của ĐT HT ra sao. Nhưng chỉ vài ngày sau ĐT HT chỉ thị tôi tự tay thiêu hủy tất cả các hồ sơ đó và chú trọng phát triển kế hoạch hành quân thu thập tin tức vùng Hạ Lào.
Xin thú thật, khi đưa ý kiến chống lại ý kiến của CHP NV Hùng, ngoài lý do như đã nêu trên là không có kinh nghiệm tổ chức mật vụ, tôi cũng có ý riêng không thích công tác đó vì nó từng liên quan đến Nguyễn Mạnh Tường và anh ruột tôi là Phan Trọng Chinh. Gia đình tôi ai cũng qúy mến Nguyễn Mạnh Tường, Mẹ tôi còn qúy Tường hơn tôi, Cụ thường nói 2 thằng cùng tuổi, cùng lùn lùn giống nhau, thấy đứa nọ lại nhớ đứa kia.    
Vào thời gian này các cơ quan tình báo của VNCH và đồng minh đều xác nhận Đoàn 559 của CSBV bắt đầu hoạt động ở Hạ Lào. Nhu cầu tình báo đặt ra là phải thu thập tin tức về hoạt động của Đoàn này. LLĐB VN với các cố vấn Mỹ đã thực hiện một cuộc hành quân thả dù đêm nhiều toán Delta xuống vùng Tchépone, Hạ Lào. Tôi và Nguyễn Mạnh Tường ra Nha Trang để theo dõi và nghiên cứu cuộc hành quân. Cuộc hành quân hoàn toàn thất bại vì nhiều lý do. Toán không được thả đúng DZ, bị thương vong vì tai nạn, thất lạc không tập hợp được. Mười  phần chỉ có 1,2 phần tìm về được tới đồn biên phòng, đa số mất tích và bị bắt. Một biệt đội 3 chiếc trực thăng khả dụng nhưng chỉ ứng chiến, và dùng chuyên chở các sĩ quan từ Nha Trang tới các đồn biên phòng.
Trong phiếu trình CHT SLL do anh Tường thảo và rồi được trình lên Đại Tướng TTMT Cao Văn Viên, anh đề nghị dùng các đồn biên phòng làm căn cứ xuất phát, anh đề nghị dùng trực thăng xâm nhập và triệt thoái,  anh đề nghị KQVN thành lập và tăng phái 1 Biệt Đoàn Trực Thăng cho SLL, hình thức cũng giống như BĐ300 hay BĐ83 do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy vào thời kỳ Combined Studies của CIA yểm trợ các cuộc hành quân ngoài Bắc. Anh Tường cũng đề nghị -vì nhu cầu tình báo cấp tốc do P2/SLL nêu ra, anh đề nghị tổ chức một đơn vị gồm nhiều toán biệt kích, phải xin chuyển ngay một số toán Bắc Bình đang ở Long Thành sang kế hoạch hành quân Hạ Lào...vv.
Xin nói thêm là lúc này SLL và Sở Kỹ Thuật -tiền thân của NKT- là 2 đơn vị riêng biệt. Trước tháng 11-1963 cả 2 Sở đều dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Tung. Sở LL, trước Cách Mạnh 1963 còn gọi Sở Nam hay nôm na là Mật Vụ, Sở Kỹ Thuật hay là Sở Bắc là hậu thân của 6è Bureau và 6è Bureau là tập hợp của các toán nhỏ Affairs Tonkinois của 2è Bureau. Khi người Pháp kiểm soát được một phần Thượng du Bắc Việt, các toán nhỏ Affair Tonkinois được giải tán và nhân viên gom lại thành 6è Bureau chuyên về các cuộc hành quân sau hậu tuyến địch. Sau 1954, 6è Bureau chuyển sang QĐQGVN và là Phòng 6/BộTTM, Trưởng Phòng là Đại Tá Lung. Qua vài lần cải tổ và đổi tên P6 trở thành Sở Kỹ Thuật/Bộ TTM, cơ quan yểm trợ chuyển từ Combined Studies của CIA sang cho MACSOG. MACSOG được thành lập để phụ trách các cuộc hành quân biệt kích Miền Bắc tiếp tục công tác của Combined Studies. CHT Sở Kỹ Thuật từ Đại Tá Lung, chuyển sang  Đại Tá Lê Quang Tung, rồi Đại Tá Trần Văn Hổ làm Giám Đốc khi SLL nhập vào SKT để thành một Nha, vị Giám Đốc sau cùng là Đại Tá Đoàn Văn Nu.
Nói tới danh xưng của NKT, thì có câu chuyện hiểu lầm tức cười là nhiều người nghĩ rằng Sở KT và sau này là Nha KT thuộc Phòng 7 BTTM. Phòng 7 BTTM được thành lập trong thời gian Việt Nam Hóa Chiến Tranh, chuyên về tác chiến điện tử, kiểm thính mọi hoạt động liên lạc vô tuyến của Địch và là 1 trong số nhiều nguồn cung cấp tin tức tình báo để dùng trong các kế hoạch đặc biệt của PTB/NKT. Một vài bài viết của ai đó tự nhận là nhân viên NKT cũng đã ngộ nhận như vậy !
Để được MACV ủng hộ đề nghị hành quân Hạ Lào, Tường và tôi đã phải họp nhiều lần với Đại Tá Koszebew, sĩ quan liên lạc của MACV có văn phòng ngay trong BCH/SLL. Đại Tá Koszebew gần như hoàn tòan đồng ý với chúng tôi về kế hoạch hành quân. Nhờ ông mà chúng tôi được giới thiệu với một số cơ quan TB Hoa Kỳ, và có những buổi họp với MACV rồi MACSOG, trình bày đề nghị của SLL về nhu cầu thả biệt kích dọc Trường Sơn, chúng tôi đã gặp một số ý kiến chống đối của MACSOG vốn chỉ thiên về hành quân thả dù và Biệt Hải và có thành kiến về khả năng của KQVN có thể cung cấp hữu hiệu cho những cuộc hành quân xâm nhập và triệt thoái bằng trực thăng H34. Trong các buổi họp đó, Nguyễn Mạnh Tường đã tỏ ra xuất chúng khi đối phương vừa nêu ra một trở ngại, là anh đã có sẵn một giải pháp soạn ra đúng thủ tục tham mưu. Xin nói thêm là anh Tường đã tham dự nhiều khóa huấn luyện của QLVNCH và Hoa Kỳ. Khóa nào anh cũng là Thủ Khoa với số điểm cách xa người thứ nhì, dù có học chung với sĩ quan Mỹ.
Kết quả là MACSOG hài lòng với kế hoạch của Tường, SLL có ngay 10 toán biệt kích chuyển từ các toán Bắc Bình ở Long Thành, có ngay 6 trực thăng H34 khả dụng do KQVN với số phi hành đoàn cần thiết mà chính anh Tường kín đáo lặng lẽ sưu tra lý lịch, thành tích trong số người do KQVN đề nghị...và đó là bước đầu của việc thành lập và tăng phái PĐ219, PĐ114 cho NKT sau này.
Kế hoạch của anh Tường được MACSOG sửa đổi đôi chút, và họ thành lập OP35 để cùng SLL thực hiện các cuộc hành quân. Sở LL nay trở thành một đơn vị của Sở KT nay là NKT, đối nhiệm của MACSOG. (Trước khi thành lập OP35, MACSOG chỉ có OP31 đến OP34, các hoạt động tạm kể là Biệt Hải, Biệt Kích Bắc, và Tâm Lý Chiến).   
Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra, anh Tường được lệnh chuyển sang BTL/CSQG. Từ đó trách nhiệm cả P2 và P3/SLL do tôi kiêm nhiệm. Khi kế hoạch hành quân được Pentagon bật đèn xanh, tôi được lệnh ra Đà Nẵng thiết lập BCH/HQ Lôi Hổ bên cạnh tổ chức của đối nhiệm là C&C,Da Nang (Command & Control) trực thuộc OP35 ở Saigon. Vào lúc này danh từ Chiến Đoàn chưa được BTTM và MACV chấp thuận vì anh Tường dùng danh từ Task Force để dịch chữ Chiến Đoàn. Phía đối nhiệm nại cớ Task Force là danh từ chỉ một tập hợp đơn vị gồm nhiều binh chủng để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt và tạm thời. Với tôi, tôi nói "I don't care" tên gọi là cái gì, tôi cần bảng cấp số được chấp thuận để tôi có phương tiện thi hành nhiệm vụ giao phó.
Trong gần 2 năm cái BCH do tôi thành lập ở Da Nang không có tên chính thức, chỉ gọi là Lôi Hổ, với Mỹ thì là C&C VN,Danang với code name là Kayak, đối nhiệm của tôi Trung Tá Raymond C.Call là Cherokee. Phải chờ cho đến khi BCS được chấp thuận mới được gọi là Chiến Đoàn. Lúc này doanh trại ở Non Nước cũng đã sẵn sàng đón các Toán ở Long Thành ra trú đóng thường trực. Bảng cấp số của PD219 cũng được chấp thuận và các trực thăng chuyển từ Nha Trang ra Da Nang.  
Trước khi danh xưng Chiến Đoàn được chấp thuận, khởi sự tôi có 6 toán với 6 phi hành đoàn do Trung úy sau là Đại úy Hồ Bảo Định chỉ huy, rồi tăng dần lên 25, 30 Toán với 25 trực thăng. Lúc đầu xuất phát xâm nhập từ hầu hết các căn cứ biên phòng từ Khe Sanh xuống tới Dak Pek, DakSut, Đức Cơ. Các Toán trú ở Long Thành, được C130 Black Bird đưa từ Long Thành ra Da Nang, hay Phú Bài, Kontum rồi chuyển sang trực thăng H34 đưa đến các FOB  để được thuyết trình HQ và sau đó lên đường xâm nhập. Từ cuối 1965 tới 1967, thời gian tôi chỉ huy Lôi Hổ ở Da Nang, báo chí không biết gì về các cuộc oanh tạc của B52 trên đường mòn HCM do Lôi Hổ yêu cầu. Và có lẽ đó là các hoạt động duy nhất của B52 trong chiến tranh VN vào thời gian 1965-1967.
Tôi xin kể chút kỷ niệm với các anh em của 6 phi hành đoàn trực thăng khi vừa từ Nha Trang ra trình diện tôi ở phi trường Da Nang. Trung úy Hồ Bảo Định, sau khi giới thiệu từng người của biệt đội, nói nhỏ với tôi một nhân viên vừa mới kết hôn thì được lệnh cấp tốc ra Da Nang, anh ta có mang theo tân nương trên trực thăng của Biệt Đội. Biệt đội xâm nhập ngay trong ngày, lẽ ra tôi theo trực thăng đi FOB Khâm Đức ngay, nhưng tôi ở lại Da Nang để thương thuyết nốt vụ thuê nhà cho phi hành đoàn. Tôi đã giúp đối nhiệm thuê được 3 villas ở Da Nang, 1 cái dành cho SQ, HSQ Mỹ, 1 cái dành cho tôi và Trung Tá Call và cũng là nơi vãng lai cho cấp Tá. Cái thứ 3 dành cho phi hành đoàn trực thăng, chật chội ngay cả với các anh em độc thân. Nghĩ tới người anh em vừa kết hôn, ngay trong ngày tôi kiếm thêm được một căn nhà có 6,7 phòng nhỏ vừa cho từng cặp vợ chồng. Một anh Đại úy Mỹ phải lo sửa chữa và cung cấp mọi tiện nghi căn nhà mới thuê ngay lập tức. Sau khi lo xong vụ nhà cửa tôi mới vào Khâm Đức bằng L19. Đến chiều khi các trực thăng ở Khâm Đức trở về Da Nang tất cả nh ân viên phi hành đoàn đều có một chỗ nghỉ tiện nghi. Riêng tân lang được gửi tặng thêm 1 phong bì.  
Trong mùa mưa 1966, các đồn biên phòng như Ashao, A Lưới, Tà Bạt lần lượt phải dẹp vì áp lực địch và vì không thể yểm trợ hữu hiệu trong mùa mưa. C&C Da Nang chỉ còn duy trì được 2 FOB là Khâm Đức và Kontum. Khi Bảng cấp số được chấp thuận, danh xưng Chiến Đoàn được chấp nhận, FOB Kontum vẫn còn thuộc Chiến Đoàn 1 ở Đa Nang, và do ĐU N.V Thanh chỉ huy, sau được ĐU Hồ Châu Tuấn thay thế, rồi Nguyễn Hương Rĩnh, tiếp theo là Văn Thạch Bích. Khi Lôi Hổ có đủ số Toán để thành lập 2 CĐ thì FOB Kontum thành BCH/CD2 tách ra khỏi CĐ1 ở Danang và tôi không còn phải phụ trách các cuộc hành quân trong khu vực 3 biên giới nữa. Tới đây các phần chính kế hoạch của anh Tường đã được thực hiện, tuy có khá nhiều thay đổi để đáp ứng với tình thế lúc đó, nhưng tựu trung các điểm chính đều đã được anh Tường đề nghị.  
Đầu năm 1967, tôi đang ở Da Nang rất bận rộn vừa lo hành quân, vừa lo doanh trại mới bên Sơn Trà để đón các Toán từ Long Thành ra, thì được chỉ thị bàn giao gấp cho Trung Tá Nguyễn Tuấn Minh để về trình diện CHT SLL.
Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây - Trước khi tôi về SLL vào năm 1964, -để thi hành một mật ước với hữu phái Lào- SLL đã gửi một phái đoàn do ĐU Hào, Trung Úy Rĩnh, Thiếu Úy Phát, Trung úy Tiềm, Thiếu úy Am sang Hạ Lào, và có cơ sở bên cạnh các Phân khu của QĐHGL như ở Savannakhet, Saravane, Attopeu và Pakse, các Toán báo cáo trực tiếp về P2/SLL. Theo kế hoạch của Tr.Tá Hùng CHP/SLL đề nghị thì sẽ phát triển sâu vào vùng địch và lên Thượng Lào.
Rời CĐ1, tôi về Saigon và nhận chỉ thị phải sang Lào chấn chỉnh lại Phái Đoàn của Sở ở đó mà trước đây là một bộ phận của P2/SLL lúc tôi là Trưởng Phòng. Nhân viên phái đoàn đã hủ hóa, người có vợ bé, người  gây xích mích với sĩ quan Lào, người bị nhóm buôn lậu mua chuộc, và nhất là không phát triển sâu vào vùng địch, mà chỉ báo cáo các hoạt động của Bạn là QDHG Lào cùng một vài cuộc thẩm vấn tù binh VC hay Pathet Lào bị QDHG Lào bắt được, và cũng không bành trướng lên phía Bắc khỏi Thakhek là địa điểm đối diện với Đèo Mụ Già cửa ngõ xâm nhập của Địch.
Tôi sang Lào thực hiện được kế hoạch của Trung Tá Hùng là có thêm được một Toán ở Luang Prabang, ở Vientian, ở Vang Vieng nơi đặt BCH của Tướng Vang Pao, và Thakhek. Nhưng rồi các Toán ở Thượng Lào này, kể cả ở Thakhek cũng phải rút trở xuống Hạ Lào vì các hoạt động của Sở trùng hợp với các Toán của Trung Tá Thoại thuộc TƯTB và của Trung Tá Dung của NKT. Khi soạn thảo kế hoạch, Trung Tá Hùng đã không được biết gì về các hoạt động của TƯTB và NKT ở Thượng Lào.
Sau hơn 2 năm ở Lào, hết nhiệm kỳ tôi trở về BCH/SLL thay thế cho Thiếu Tá Nguyễn Hữu Trang làm TMT Sở. Anh Trang sang Lào thế vào chỗ tôi. Tôi ở Saigon không lâu, rồi lên Ban Me Thuot làm CĐP/CĐ3 cho anh Thiếu Tá Tùy CĐT mới từ LLDB sang, nhưng lại đang chuẩn bị rời chức vụ này. Anh Tùy từ BB sang LLDB, bị vất vả vì phải đổi đi đồn biên phòng. Anh được về SLL nhưng lại phải lên cao nguyên và nắm chức vụ CĐT một CĐ mới lập mà thành phần Toán đa số là Mike Force người Miên và Nùng chuyển qua. Anh Tùy hoàn toàn xa lạ với phương thức Targetting đặc biệt của Lôi Hổ, anh không họp tham mưu hỗn hợp, anh không muốn đi cùng trực thăng với đối nhiệm trong các cuộc xâm nhập, anh tính chuyện bỏ SLL. Vì vậy mà tôi phải lên BMT vào lúc địch toan tính dứt điểm các đồn từ Ban Đong xuống tới Kiến Đức.
Ngày nào CĐ3 cũng có ít nhất 2, 3 toán hoạt động dưới đất. Hàng ngày trực thăng bay ra vào vùng hành quân như đi chợ. Số tôi chỉ huy mát tay, nên chỉ mất có 1 Toán Trưởng (CU Phan Nhật Văn) và 1 Toán Phó lúc còn ở Da Nang. Và phải nói là nhờ tài nghệ tuyệt diệu của các Pilot PĐ219, xâm nhập cũng như triệt thoái bất kể giờ giấc đều bay sát ngọn cây, khiến địch không trở tay để sử dụng SA7 và luôn đến đúng LZ thả cũng như đón Toán.
Lần theo Toán xâm nhập chót của tôi, khi trở về nghe trên máy có May Day của một trực thăng bạn trúng SA7 trên không phận Đức Lập. Về tới BCH/CĐ3 được biết đó là trực thăng của LLDB Mỹ, chở CHT Toán B của Mỹ và vị đối nhiệm phía VN  từ Nha Trang bay lên quan sát trận đánh đang tiếp diễn ở căn cứ LLDB Đức Lập. Vì bay cao nên đã lãnh SA7.
Thật hú vía, tôi đã bay trên trực thăng PĐ219, chứ nếu bay trên trực thăng Mỹ thì đâu còn có mặt ở đây. Các vị sĩ quan Việt Mỹ đó có ghé BMT và gặp đối nhiệm của tôi ở BCH/CĐ3. Ông Trung Tá đối nhiệm của tôi cũng mừng hú vía khi từ chối bay cùng các ông bạn từ Nha Trang lên. Thật ra thì công việc của chúng tôi ở CĐ3 lúc đó là làm sao không cho địch tập trung tung ra thêm đơn vị để dứt điểm Đức Lập và Ban Dong. Các Toán của CĐ3 đang cố gắng phát giác mọi di chuyển và tập trung của địch trên đất Miên, BCH/CĐ3 sẽ xin B52 đánh vào những khu vực tập trung quân của địch. Sau này đọc những hồi ký của các Tướng Lãnh địch mới biết là chiến dịch của chúng thất bại vì bị tổn thất nặng do B52. Đó là nhờ các thành quả của các toán CĐ3 và PĐ219 mà Đức Lập qua được trận công kích năm đó.  
Nhiều anh em biệt kích SLL, SCT còn sống sót tới nay có thể đã nhờ các Pilot 219 không ngại hiểm nguy, lăn vào vùng lửa đạn để mang các anh về. Chúng ta phải nhớ cái ơn vô cùng to lớn này.
Sau khi địch thất bại trong chiến dịch dứt điểm ở khu vực từ Ban Dong xuống đến Kiến Đức, tôi được lệnh về BCH/NKT thay thế cho Trung Tá Đỗ Văn Tiên ở chức vụ TP Tình Báo NKT. Anh Tiên bị MACSOG đề nghị thay thế vì gia đình có người dính líu đến VC. Thời gian tôi ở với CĐ3 như vậy chỉ có vài tháng và không ngày nào không có hành quân.
Lúc này Nguyễn Mạnh Tường đã rời CSQG và đang là TP Hành Quân NKT. Chúng tôi như đôi đũa lại có dịp cùng làm việc, ưu tiên thượng cấp giao cho anh Tường lúc này là tái tổ chức NKT, thành lập Sở Công Tác, với sự tách rời vài bộ phận của Sở Tâm Lý Chiến, anh phải viết lại BCS mới của Nha. Thay mặt cho NKT hay đúng hơn là thay mặt cho Trung Tá Nguyễn Minh Tiến CSV/Sở HQTB -Tường phải tham dự tất cả các buổi họp với TTM, với MACV, MACSOG.  Anh Tường bị áp lực từ tứ phía, từ nội bộ Nha phải tranh đấu với TTM và MACV được thêm quân số, cấp bậc tương ứng của các cấp từ Toán viên đến Giám Đốc Nha. Tuy tôi có tham dự một vài buổi họp như vậy cùng với Tường, nhưng rồi nhức đầu quá lấy lý do tôi đang có những cuộc hành quân tình báo đặc biệt, tôi để Tường  lãnh trọn.
Sau lễ Giáng Sinh 1970 Tường đưọc thuyên chuyển ra Phú Yên, cuộc đời anh lại một lần nữa sang trang. Lần này anh nổi tiếng đã giữ vững vùng trách nhiệm không để lọt vào tay địch, nhưng vì trách nhiệm với nước, với dân, với quân đội anh đã không thể trọn tình với gia đình. Cuộc đời anh cô độc từ đây cho đến ngày anh được các chiến hữu tiễn đưa lần chót.
Gần đây có vụ đột kích bắt Bin Laden, tôi xin kể lại một vụ đột kích khác của Mỹ trong đó nhiều nhân viên Mỹ của OP35 hay của C&C Da Nang tham gia.
Khoảng đầu năm 1967, có tin tức mơ hồ về 1 trại giam tù binh Mỹ gần Hanoi. Tôi cùng Đại tá Simons, boss của OP35 và Trung tá Call đối nhiệm của tôi đã cùng bay sang Nakhon Phanom và Udorn Thái Lan.  Nakhon Phanom là nơi người Mỹ thiết lập Trung Tâm Tác Chiến Điện Tử, còn căn cứ không quân Udorn là nơi có một số phi cơ không thám SR111 và SR71 chuyên bay thám thính chụp ảnh Bắc Việt. Sau chuyến bay này Đại tá Simons mang về một số t ài liệu không ảnh và dụng cụ điện tử. Trung tá Call nói riêng cho tôi biết có thể C&C Danang phải cung cấp vài toán cho một cuộc hành quân giải cứu tù binh.
Mãi tới 1970 tôi mới được biết rằng Pentagon đã không dùng toán VN mà dùng toàn biệt kích Mỹ, trong đó đa số là sĩ quan và HSQ của C&C Danang. Cuộc hành quân đột kích này chỉ huy bởi Đại Tá Simons đặt ở Monkey Montain hay còn gọi là Đài Radar Panama ở Sơn Trà. Dick Meadow -người chỉ huy toán biệt kích nhảy xuống trại giam là một HSQ lúc mới tới trình diện C&C Danang năm 1965. Vào lúc anh chỉ huy toán biệt kích nhảy xuống Sơn Tay anh mang cấp bậc Đại Úy. Cuối năm 1970, sau vụ đột kích, Đại tá Nu và tôi có gặp Dick Meadow ở Fort Benning. Trung tá Call đối nhiệm của tôi về hưu năm 1970 và qua đời ở Florida năm 1976. Đại tá Simons là một huyền thoại của LLDB Hoa Kỳ và là một anh Mỹ khó tính, độc đoán, lên cấp từ HSQ, lập được nhiều chiến công trong WW2.  Ông này và Đại tá Hồ Tiêu ít khi giao thiệp trực tiếp với nhau. Sau thất bại ở Sơn Tây, Đại Tá Simons còn tổ chức vụ đột kích thất bại khác vào Iran và đã làm Tổng thống Carter mất điểm trong vụ tái cử. Simons về hưu và hết là một huyền thoại của Quân Đội Mỹ.
Lắm lúc tôi tự hỏi, nếu Nguyễn Mạnh Tường thiết kế cuộc HQ Sơn Tây này, và được thực hiện sớm hơn 1,2 năm thì kết qủa sẽ ra sao. Tôi đã có ý nghĩ như vậy vì cuộc triệt thoái khỏi An Lộc của BĐQ do anh thiết kế và thực hiện là một cuộc HQ tuyệt vời đáng để học hỏi mãi mãi về sau. Lực lượng của ta ra khỏi An Lộc là một hoàn toàn  bất ngờ của địch. Chỉ có 2 khẩu 155 ly và đạn dược không thể mang ra được là phải phá hủy tại chỗ. 
Để chấm dứt câu chuyện tâm tình với anh em về một chiến hữu thân thương của chúng ta, tôi xin các anh em hãy nhớ lại Nguyễn Mạnh Tường, người đã khai sinh ra các cuộc hành quân vượt biên của Lôi Hổ mà tôi đã hân hạnh là người đầu tiên hướng dẫn anh em thực hiện kế hoạch của anh. Hy vọng câu chuyện cũng giúp các bạn biết thêm phần nào về huyền thoại NKT, SLL, Sở Công Tác và PĐ219. Chuyện của những anh hùng quân đội lặng lẽ góp phần vào cuộc chiến tranh trong bóng tối.
Phan Trọng Sinh
2011