Friday, May 6, 2011

MIA LLĐB BÙ ĐỐP (A-341)


MIA LLĐB BÙ ĐỐP (A-341)

Tên họ:            Michael Millner
Cấp bậc:          TrungSĩ Nhất, Lục Quân
Đơn vị:            Toán A-341, Liên đoàn 5 LLĐB/HK
Mất tích:          29/11/1967
Nơi xẩy ra:      Toạ độ 120201 1065404W (YU069309), Việt Nam

        Để ngăn chặn những cuộc chuyển quân của quân đội Bắc Việt, VC vào miền nam Việt Nam, những toán A (đơn vị nồng cốt trong tổ chức của LLĐB/HK) LLĐB đã tổ chức, huấn luyện và trang bị cho lực lượng Dân Sự Chiến đấu (CIDG), trong các trại LLĐB. Nhiệm vụ của các trại LLĐB biên phòng là dò thám đường biên giới, chống lại quân du kích VC.
        Chương trình Dân Sự Chiến Đấu (Biệt Kích Quân) do LLĐB/HK xây dựng khác với việc gửi các cố vấn Hoa Kỳ làm việc bên cạnh các đơn vị chính quy QL/VNCH. Quân nhân Dân Sự Chiến Đấu được tuyển mộ đa số từ sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng) không bị chi phối bởi luật Động Viên. Họ ký giấy giao kèo phục vụ cho LLĐB/HK từ sáu tháng đến hai năm.
        Cấp chỉ huy trực tiếp trong một đơn vị DSCĐ thường là một sĩ quan LLĐB/VN, và quân Mũ Xanh LLĐB/HK chỉ đóng vai cố vấn cho LLĐB/VN. Vì các đơn vị DSCĐ được tổ chức theo khuôn mẫu của LLĐB/HK nên bên cạnh mỗi cố vấn Hoa Kỳ có một quân nhân thuộc binh chủng LLĐB Việt Nam.
        Ngày 26 tháng Muời Một năm 1967, đại úy Matthew J. Hasko cố vấn trưởng (trưởng toán A-341 LLĐB/HK) cùng với trung sĩ Michael Millner chuyên viên vũ khí nhẹ, và trung sĩ Paul Posse đi theo một đơn vị DSCĐ trong một cuộc hành quân tảo thanh do LLĐB/VN chỉ huy.
        Những binh sĩ DSCĐ trong đơn vị xung kích này đang trong thời gian huấn luyện, để sau này họ có đủ kinh nghiệm bảo vệ xóm làng của họ. Cuộc hành quân này, sẽ lục soát khu vực hướng tây bắc quân Lộc Ninh, gần biên giới Việt-Miên trong tỉnh Phước Long.
        Vào khoảng buổi trưa ngày 29 tháng Mười Một năm 1967, đơn vị DSCĐ đang di chuyển ngang qua một vùng có điạ thế bằng phẳng, chỉ có cỏ “voi” rất cao và những khu rừng nhỏ rải rác trong khu vực. Lúc đó viên sĩ quan chỉ huy LLĐB/VN, quyết định tạm dừng quân để ăn trưa. Đại úy cố vấn Hasko không đồng ý, cho rằng đơn vị DSCĐ đang ở trong một khu vực trống trải, không có cây lớn che chở. Viên sĩ quan LLĐB/VN không màng đến lời cố vấn và trong khi cả đơn vị đang ăn trưa, địch quân đã đào hầm hố chiến đấu, tổ chức trận phục kích.
        Địch quân pháo kích súng cối, đủ loại đạn súng trường, đại liên vào đơn vị DSCĐ đang ngồi trong bải cỏ tranh ăn trưa. Bị vố bất ngờ, các binh sĩ DSCĐ hốt hoảng, chạy loạn xạ, không còn hàng ngũ chiến đấu. Các quân nhân LLĐB Việt-Mỹ cố gắng gom đơn vị lại, đem theo những người bị thương, lui về phiá sau, nơi họ có thể lập tuyến phòng thủ.
        Sau khi củng cố được tuyến phòng thủ, các cố vấn Hoa Kỳ gọi không yểm và điểm danh lại đơn vị... nhưng thiếu trung sĩ Michael Millner. Sau khi các phản lực cơ Hoa Kỳ lên bao vùng, địch quân rút lui nhanh chóng, và sau đó trực thăng vào di tản thương binh và đem đơn vị DSCĐ về căn cứ.
        Trung sĩ Posse báo cáo, anh ta chạy đến một vị trí khác khi bắt đầu có tiếng súng của địch. Anh ta nhìn xung quanh và trông thấy trung sĩ nhất Michael Millner bị VC bắt sống. Anh ta nói thêm, lúc bị địch bắt, Millner không bị thương.
        Vị trí bị phục kích chỉ cách biên giới Việt-Miên khoảng 2 dặm về hướng nam, cách trai LLĐB Bù Đốp về hướng đông 6 dặm và cách Lộc Ninh khoảng 24 dặm về hướng đông bắc. Đường 307 chạy từ hướng đông nam lên tây bắc trong khu vực này, nằm cách nơi xẩy ra trận phục kích không tới 1 dặm về hướng nam.
        Hai ngày sau, một toán biệt kích (SOG) xâm nhập vào khu vực phục kích, tìm kiếm và giải thoát (SAR – Search and Rescue) trung sĩ nhất Millner. Toán biệt kích lục soát cả khu vực từ điểm lúc bị tấn công cho đến tuyến phòng thủ phiá sau, nhưng không tìm ra tung tích Millner, cũng như những vật dụng của anh ta. Sau đó, mặc dầu có lời khai của trung sĩ Posse rằng Millner bị bắt, nhưng quân đội Hoa Kỳ báo cáo anh ta bị mất tích.
        Những năm tháng sau đó cũng không có tin tức gì thêm về số phận của trung sĩ nhất Michael Millner. Đến tháng Mười năm 1974, tình báo Hoa Kỳ nhận được  một bản báo cáo nói đến việc trông thấy “Một tù binh Hoa Kỳ bị bắt trong khoảng thời gian năm 1967, trong khu vực lần cuối cùng Millner được các đồng đội trông thấy”. Tuy nhiên bản báo cáo không nói thêm chi tiết về trung sĩ Millner cũng như lý do tại sao bị bắt làm tù binh... nên người Hoa Kỳ chẳng làm được gì hơn, chỉ để một phó bản tờ báo cáo vào hồ sơ của anh ta.
        Trong tháng Tư năm 1991, chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một danh sách tù binh chiến tranh (POW) và những quân nhân mất tích (MIA). Những quân nhân mà họ tin rằng vẫn còn nằm trong tay địch quân, và cũng không có bằng chứng là họ đã chết trong thời gian bị cầm tù. Danh sách này được gọi là “Lần cuối cùng được biết vẫn còn sống”, trong đó có Michael Millner.
        Trường hợp Millner bị chết lúc bị bắt cũng như trong thời gian bị cầm tù, anh ta có quyền đòi hỏi thi hài của anh ta được trao trả cho người thân của anh ta, bạn bè đồng đội hoặc quê hương của anh ta. Một điều rõ ràng anh ta bị bắt lúc còn sống, không bị thương tích. Tuy nhiên định mệnh của anh ta cũng như nhiều quân nhân Hoa Kỳ khác, không được biết rõ. Chỉ có người Việt Nam (chính quyền) mới có câu trả lời về số phận của những quân nhân kém may mắn này, nếu họ thực sự muốn.
        Kể từ khi cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt, đã có hơn 21 ngàn bản báo cáo về tù binh Hoa Kỳ mất tích, chính quyền Hoa Kỳ nhận được và lưu trữ.

Dallas, TX. April 14, 2010
vđh

No comments:

Post a Comment