Friday, May 6, 2011

BIỆT KÍCH DELTA - HỐ CẠN


BIỆT KÍCH DELTA - HỐ CẠN
Donald J. Taylor, Sergeant Major (Retired), U.S. Army Special Forces
Project Delta Recon Team Leader, July 1968 - July 1970

        Bộ chỉ huy B-52, hành quân Delta, dưới quyền chỉ huy của liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ có nhiệm vụ đưa các toán biệt kích xâm nhập khu vực địch kiểm soát để lấy tin tức. Những tin tức về đơn vị địch rất quan trọng cho các đơn vị Hoa Kỳ, VNCH soạn thảo kế hoạch hành quân, dựa trên những tin tức về quân số, hỏa lực và vị trí của đơn vị địch.
        Nói cách khác, các toán biệt kích Delta có nhiệm vụ tìm dấu vết của địch, nhận diện đơn vị, quân số, hỏa lực của địch, nhưng không cần thiết phải tấn công địch quân. Tuy nhiên, nhiệm vụ cho các toán biệt kích theo thứ tự ưu tiên: nếu có thể bắt sống tù binh đem về khai thác. Còn chuyện tấn công đơn vị địch là một điều ngu xuẫn, tự sát. Làm sao đưa một toán biệt kích sáu người đi tấn công một đơn vị cấp tiểu đoàn của địch.
        Khi xâm nhập vùng hành quân, các biệt kích phải luôn luôn nghĩ rằng, có sự hiện diện của quân địch, đâu đó trong khu vực hành quân. Thỉnh thoảng vẫn có trường hợp, toán biệt kích Delta được đưa vào vùng hành quân mà địch đã di chuyển đi nơi khác, hoặc không có bóng dáng địch hay họ chưa hề đặt chân đến khu vực này. Khi một toán biệt kích Delta xâm nhập vùng hành quân không có dấu vết của địch, trường hợp này gọi là “Hố Cạn”.
        Gặp trường hợp hiếm hoi này, toán biệt kích ra vào khu vực hành quân thoải mái, như đi nghỉ phép. Tuy nhiên cũng có những trường hợp “động ổ” như câu chuyện sau đây. Một kỷ niệm khó quên về “Hố Cạn” trong thời gian làm trưởng toán biệt kích Delta.

BOM DAISY CUTTER
        Khoảng giữa tháng Mười Một năm 1968, hành quân Delta được di chuyển từ căn cứ hành quân tiền phương (FOB) An Hòa, của TQLC/HK ngoài vùng I chiến thuật, bay thẳng về vùng 3, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương mới bên cạnh phi đạo trại LLĐB Đồng Xoài. Không được nghỉ ngơi giữa hai cuộc hành quân, tuy nhiên chúng tôi được cấp chỉ huy an ủi, cho biết cuộc hành quân chỉ kéo dài đến khoảng 20 tháng Mười Hai. Chỉ để lại đơn vị trông nom, bảo vệ căn cứ cùng với yểm trợ, còn tất cả sẽ được đưa về Nha Trang mừng lễ Giáng Sinh, và năm mới. Nhưng thực tế, năm 1968, cuộc hành quân Delta kéo dài qua năm 1969.
        Một tuần trước lễ Giáng Sinh, chúng tôi sửa soạn về Nha Tranh như cấp chỉ huy đã hứa. Bỗng được lệnh vào trung tâm hành quân (TOC) để nghe thuyết trình và nhận lệnh. Khu vực hành quân được trao cho toán biệt kích chúng tôi rộng 10x10 cây số vuông, rừng lá rậm rạp nơi phiá đông thị trấn An Lộc, tỉnh Bình Long. Tin tức tình báo cho biết có nhiều trại đóng quân cấp đại đội, tiểu đoàn của địch trong khu vực hành quân. Ngay sau đó, tôi đi bay với thiếu tá Không Quân Roscoe trên chiếc máy bay quan sát O-1 (FAC bird-dog), thám thính khu vực hành quân chọn bãi đáp (điểm xâm nhập, triệt xuất toán biệt kích).
        Bay thám thính trong một khu vực rừng rậm rạp, rộng lớn 10x10 cây số không phải là điều dễ làm. Cuối cùng hai chúng tôi đồng ý, khu vực thám sát là khu vực nằm giữa hai nhánh sông nhỏ và tiếp theo tìm điạ điểm xâm nhập. Tôi để ý đến một khoảng trống nơi góc tây bắc và hỏi thiếu tá Roscoe, sao lại có khoảng đất trống đó, và được trả lời đó là hố bom Daisy Cutter. Tôi đã đọc bài viết về loại bom BLU-82B “Daisy Cutter”, đến hôm đó mới được chứng kiến.
        Hố bom này rộng lớn hơn những hố bom mà tôi đã nhìn thấy trước đây. Quả bom tạo nên một khoảng trống, đường kính rộng khoảng 200 thước và rất tròn, phủ cát trắng nổi bật lên giữa một rừng cây lá mầu xanh thẫm. Theo tài liệu đăng trên báo Stars and Stripes, bom Daisy Cutter là một qủa bom to, nổ khi còn cách mặt đất khoảng vài bộ. Khi nổ sẽ giết hết cây cỏ, cả lớp đất mầu mỡ trên mặt đất trong vùng ảnh hưởng, tạo nên khoảng đất trống có thể đáp được bốn, năm chiếc trực thăng. Nhìn thấy rõ ràng từ trên không, hình tròn mầu trắng như có ai dùng kéo cắt ra từ một khoảng cỏ xanh, nên mới có tên “Daisy Cutter”. Tôi có thể chọn một bãi đất trống khác để xâm nhập, nhưng tính hiếu kỳ, tôi muốn đến tận chỗ để quan sát nên chọn đó làm điểm xâm nhập. Điều này sẽ làm tôi hối hận.
        Tôi hỏi thiếu tá Roscoe thêm về bom Daisy Cutter, nhưng ông ta không biết gì thêm, chỉ nói đã gặp một phi công C-130 thả loại bom này, và viên phi công trả lời rằng rất sợ khi phải bay thả bom Daisy Cutter. Quả bom được lăn ra cửa sau phi cơ, rơi xuống bằng dù dưới cao độ 6000 bộ, đủ thời gian cho chiếc C-130 bay ra khỏi khu vực thả bom. Trường hợp, nếu dù không mở, qủa bom chứa 13000 cân Anh thuốc nổ mạnh, rơi xuống nhanh hơn có thể gây nguy hiểm cho chiếc phi cơ C-130 cùng phi hành đoàn.
        Về đến căn cứ hành quân tiền phương Đồng Xoài, tôi hỏi vị sĩ quan S-2 (an ninh, tình báo tác chiến) về hố bom Daisy Cutter đó, nhưng ông ta cũng không biết, và cũng không có tin tức nào khác về một đơn vị nào đó đã đi hành quân ngang qua khu vực hố bom.
        Chiều ngày hôm sau, toán biệt kích của tôi chuẩn bị hành trang, vào trung tâm hành quân nghe thuyết trình lần cuối, rồi ra đi trước khi trời xập tối. Chiếc máy bay thám thính FAC, lên vùng trước, cho lệnh chiếc UH-1 đưa toán biệt kích vào bãi đáp “Mẹ của những bãi đáp” rộng lớn. Như thường lệ, toán biệt khi khi nhẩy ra khỏi trực thăng, chạy vào rừng tìm chỗ ẩn náu, nhưng xung quanh bãi đáp “Daisy Cutter” này không có rừng, chỉ có những khúc gỗ, thân cây đổ ngổn ngang, cao đến 50 bộ như một bức tường bằng gỗ.
        Trong những tia nắng cuối cùng của một ngày, chúng tôi nhìn xung quanh bãi cát trắng, bức tường gỗ bao quanh toán biệt kích Delta. Người nào cũng kinh ngạc, sức nổ của qủa bom đốn ngã những cây cao, rồi đẩy dạt ra xung quanh, tạo thành bức tường gỗ cao 50 bộ, với bề dầy 50 thước.
         Toán biệt kích chỉ còn cách leo ra khỏi bức tường trước khi trời tối hẳn, nếu không sẽ phải ngủ trong bãi đáp “Daisy Cutter”, điểm xâm nhập, là điều nguy hiểm không lường được. Chúng tôi đi vòng theo chu vi bãi đáp, tìm một chỗ chắc chắn, (vì là những khúc đỗ chồng lên nhau, cùng với đất cát...) để leo ra. Nhưng trời xập tối nhanh chóng và toán biệt kích phải ngủ lại bên trong hố bom Daisy Cutter.
        Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi tìm chỗ để leo ra, đi hết một vòng, trở về chỗ khởi điểm vẫn tìm không ra. Bức tường chỉ là những khúc gỗ chồng chất lên nhau, với sức nặng con người cùng với ba lô, súng đạn, leo lên cao sợ những khúc gỗ ở dưới bị chuyển động và bức tường sẽ xập xuống, có thể bị cây đè chết hoặc gẫy tay, gẫy chân. Vài người đã thử leo lên, được vài bước vội tụt xuống vì bức tường không chắc chắn.
        Đến giữa buổi sáng, khoảng 10 giờ, toán biệt kích vẫn còn nằm trong “lòng chảo”, chuyện leo lên bức tường gỗ rất nguy hiểm. Còn nguy hiểm hơn nếu địch quân khám phá ra vị trí toán biệt kích. Chúng tôi tiếp tục đi vòng tìm một chỗ tương đối chắc chắn, rồi người lính biệt kích đi đầu (point man, đã có nhiều kinh nghiệm) leo lên trước. Anh ta leo lên tới đầu bức tường, đảo mắt nhìn quanh rồi tụt xuống thật nhanh báo cáo, bên ngoài hố bom Daisy Cutter có một binh trạm bỏ hoang của địch, nhưng không chắc chắn địch quân đã thực sự bỏ đi hết.
        Đứng trước tình trạng, không còn cách nào khác, tôi ra lệnh cho người đi đầu leo trở lên quan sát binh trạm của địch. Nửa tiếng đồng hồ sau, anh ta ra dấu hiệu an toàn, không thấy bóng dáng địch quân, toán biệt kích Delta mới leo lên từng người một, thoát ra ngoài “lòng chảo”.
        Ra đến bên ngoài, toán biệt kích tập họp lại, di chuyển thận trọng, lục soát căn cứ đã bỏ hoang của địch. Trong căn cứ, có khoảng mười căn hầm, đều bị xập do quả bom Daisy Cutter tàn phá, nhưng chúng tôi không thể đoán được, địch có trong căn cứ lúc thả bom và có bao nhiêu tên bị chết vì qủa bom. Trong ngày hôm đó, chúng tôi thám sát binh trạm của địch và khu vực xung quanh hố bom và tìm thấy vài trạm canh phòng, tiền đồn nhỏ cho binh trạm của địch. Điều này đưa đến kết luận, quả bom Daisy Cutter được thả để tiêu diệt chỗ đóng quân của địch chứ không phải để làm bãi đáp trực thăng đổ quân. Và binh trạm giữa cánh rừng già này có thể chứa một đơn vị địch cấp tiểu đoàn.
        Những ngày kế tiếp chúng tôi di chuyển trong khu vực hành quân đã định trước, nhưng không tìm ra dấu vết hoạt động mới của địch quân. Có lẽ chúng đã quá khiếp sợ vì sức tàn phá của quả bom Daisy Cutter.
        Sau khi được trực thăng vào đón, đưa về căn cứ hành quân tiền phương. Sau phần thuyết trình, báo cáo, cả toán biệt kích kéo nhau vào căn lều uống bia. Pat Walters, toán phó tươi cười khi nghĩ lại chuyện toán biệt kích bị kẹt trong “lòng chảo”. Tất cả cùng cười, xin cám ơn Thượng Đế, cám ơn trời đất đã cho toán biệt kích chúng tôi một “hố cạn” vào cuối năm như một món quà Giáng Sinh. Nhưng tôi tự nhủ, lần sau phải “né” hố bom Daisy Cutter.

CHẤT ĐỘC DA CAM (AGENT ORANGE)
        Trong tháng Hai năm 1970, hành quân Delta di chuyển lên Phước Long, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương nơi phi đạo trại LLĐB Bunard. Đến căn cứ hành quân ít lâu, toán biệt kích của tôi được nghe thuyết trình hành quân dò thám một khu vực mà cây cối đã bị khai quang, hủy diệt bằng chất độc da cam từ những năm 1966, 1967.
        Trước khi khu rừng bị khai quang, tỉnh Phước Long có những cánh rừng rậm rạp, bao la, bát ngát. Dưới những tàn cây rậm rạp địch quân xây nhiều căn cứ, binh trạm và hệ thống đường mòn để chuyển quân, vũ khí, đồ tiếp liệu từ Miên sang. Cũng vì vậy, nhiều cánh rừng đã bị phi cơ Hoa Kỳ rải thuốc độc Da Cam, khai quang cho phi cơ quan sát theo dõi, tìm kiếm những cuộc chuyển quân của địch. Nhưng đến bây giờ (1970), nhiều cánh rừng, cây cỏ đã phục hồi trở lại, gây khó khăn cho phi cơ quan sát. Và nhiệm vụ cho toán của tôi xem xét những con đường mòn để biết địch có xử dụng lại hay không. Nhiệm vụ có vẻ đơn giản, rõ ràng nhưng lại không thực sự... đơn giản như chúng tôi tiên đoán.
        Cũng như lần trước, sau buổi thuyết trình, tôi phải đi bay trên chiếc máy bay thám thính O-1 để thám sát khu vực hành quân, tìm bãi đáp chính, bãi đáp phụ cho toán biệt kích xâm nhập. Tôi đã từng tuần tiễu khu vực này trước đó, khoảng năm 1966, 1967, cùng với một đại đội Dân Sự Chiến Đấu.  Lúc đó khu rừng đã bị khai quang nên tôi có cảm tưởng như mình đã quen thuộc khu vực hành quân. Nhưng không dè những gì mình trông thấy trong chuyến bay hôm đó.
         Chúng tôi bay trên cao độ 2000 bộ, khu vực hành quân nơi cuối đường chân trời. Một mầu xám ảm đạm thay vì mầu xanh của lá cây. Chiếc máy bay quan sát “Bird Dog” bay vào, tôi nhận thức rằng, cả một vùng rừng núi hùng vĩ không còn, những cây gỗ tốt, chắc chắn cao 200, 250 bộ, thân cây to, với đường kính 15, 20 bộ đứng sừng sững, hiên ngang. mặc dầu đã chết ba bốn năm qua. Những cây cổ thụ đã trơ trụi hết lá, chỉ còn trơ lại những cành khô, như những bộ xương với những cánh tay dài lên bầu trời.
        Khoảng bốn năm về trước, tôi đã cùng người Thượng trong lực lượng Dân Sự Chiến Đấu làm bá chủ những khu rừng này. Gần như chúng tôi cũng là một phần của khu rừng, cũng như chim chóc, cỏ cây, và những loài động vật khác. Một đại đội DSCĐ người Thượng đi chuyển ngang qua khu rừng, gặp trái cây ăn được họ hái ăn, nhưng ăn tại chỗ chứ không đem về. Họ sống hòa hợp với thiên nhiên chứ không phá hoại. Trên thực tế, những cây cổ thụ to lớn đó được họ tôn thờ như những vị thần linh. Tôi băn khoăn, không biết những người Thượng đơn sơ, mộc mạc nghĩ sao, khi chúng ta đã hủy diệt thiên nhiên, những vị thần của họ.
        Đại đội DSCĐ người Thượng là một gia đình lớn, một gia đình nối dài của họ. Người nắm quyền đại đội trưởng cũng như ông nội, những người con trai của ông ta sẽ là những trung đội trưởng... Thường họ là những chiến sĩ can đảm, thợ săn giỏi. Người Thượng làm nhiệm vụ hướng đạo (đi đầu), tìm dấu vết rất “chuyên nghiệp”, mà không cần phải qua một khóa huấn luyện, trường, lớp nào. Họ đi rừng rất giỏi và rất trung thành với người Hoa Kỳ.
        Một kỷ niệm khó quên, tôi được chứng kiến sự can đảm của một đứa trẻ người Thượng mười ba tuổi. Tôi không nhớ tên, vác khẩu trung liên Bar nên đặt tên Barman (người xử dụng trung liên Bar). Barman vác khẩu súng, to lớn hơn người, cũng lội rừng vượt suối như mọi người. Chuyện đau lòng, đứt ruột khi phải chứng kiến, người trung đội trưởng DSCĐ cũng là cha của Barman, bế xác con đem về cho mẹ nó.
        Mỗi lần có giao tranh lớn, ngôi làng Thượng như trải qua trận “đại thiên tai”, khi chúng tôi đem xác cha, chồng, anh em, con của họ về. Những người đàn bà Thượng sẽ khóc than, kéo dài mấy ngày, cho đến khi khô cạn nước mắt. Đành rằng, trận chiến nào cũng có những mất mát và chúng ta phải chấp nhận, tuy nhiên nhìn những bà mẹ ôm xác con... thật không đành.
        Trong khu vực hành quân, trước đó cũng là căn cứ điạ của công trường (sư đoàn) 9 VC, có những căn cứ, trạm binh của các trung đoàn 271, 272, và 273. Trong chuyến bay thám thính này tôi tự hỏi, không biết họ còn đó không?
        Tôi chọn một điểm xâm nhập trong một bãi cỏ tranh, trực thăng đáp dễ dàng vì cánh rừng đã chết. Một điểm triệt xuất, nơi hướng bắc khu vực hành quân. Tôi dự trù chuyến hành quân sẽ kéo dài bốn ngày và toán biệt kích sẽ di chuyển đến bãi đáp trực thăng để triệt xuất. Khu vực hành quân xâm nhập nằm nơi phiá bắc tỉnh Phước Long, có nhiều dẫy đồi nhỏ và những con suối  con. Ngoài vấn đề chính là địch quân, còn vấn đề nước uống cũng là một điều đáng để ý. Lúc đó đang giữa mùa hè, dưới sức nóng oi bức của miền nhiệt đới, vác ba lô trèo đèo lội suối, một người lính cần uống hơn ba lít nước mỗi ngày. Không biết những giòng suối nhỏ vẫn có nước hay đã cạn trong mùa hè.
        Do đó toán biệt kích vẫn phải tìm chỗ lấy nước hàng ngày. Thiếu nước, con người kiệt sức nhanh chóng. Mỗi biệt kích quân, đem theo sáu bi đông nước và họ sẽ uống hết trong một ngày lội trong rừng. Hành quân biệt kích trong mùa hè, vấn đề quan trọng nhất là tìm nước, sau đó mới là địch quân. Chỗ lấy nước cũng là tử điạ, vì địch quân cũng phải ra suối lấy nước.
        Khi quay trở về căn cứ hành quân Bunard, tôi thuyết trình cho toán biệt kích. Toán của tôi gồm có sáu người: toán phó là trung sĩ nhất Terrence (Terry) W. Pardee, nhưng anh ta đã hết thời gian phục vụ, về Hoa Kỳ, trở lại đời sống dân sự. Trung sĩ nhất William R. (Grit) Pomeroy Jr. vừa mới bổ sung cho toán biệt kích và đây là chuyến đi đầu tiên của anh ta vào “Hố Cạn”. Grit ở với toán cho đến khi hành quân Delta kết thúc (bị giải tán) vào tháng Bẩy năm sau. Bill Pomeroy có tên gọi thân mật (nick name) là Grit vì anh đến từ Alabama, giọng nói miền nam Hoa Kỳ.
        Chuyến hành quân xâm nhập này hơi đặc biệt, ba ngày sau chúng tôi mới lên trực thăng đi xâm nhập. Bãi đáp tôi chọn rộng rãi, trực thăng có thể xà xuống còn cách mặt đất khoảng sáu bộ và toán biệt kích nhẩy ra. Chúng tôi vừa chạy vừa bò trong đám cỏ tranh cao hơn đầu người, đến một bụi cây khô lớn cách bãi đáp khoảng 100 thước. Trời sẽ tối nhanh chóng, toán biệt kích chui vào trong bụi bố trí thành một vòng tròn 360 độ, ngủ qua đêm.
        Một điều tôi để ý, khi toán biệt kích chạy từ bãi đáp trực thăng đến bụi rậm, không nghe tiếng chim hót, hay những âm thanh khác của thú vật như khỉ, côn trùng, của núi rừng. Một bầu không khí im lặng của tử thần. Bỗng dưng, một tràng súng nổ, phát ra từ một khẩu súng cách đó khoảng vài trăm phút (rõ ràng tiếng súng, không thể sai được). Toán biệt kích báo động ngay tức khắc và cố gắng giải đoán... chuyện gì xẩy ra. Chúng tôi là những “người bạn” duy nhất trong khu vực, một tên VC hay lính Bắc Việt nào đó là tác gỉa của loạt súng chỉ thiên... chỉ địa!
        Vài phút sau, thêm một loạt súng nổ và kết thúc bằng tiếng nổ lựu đạn, nhưng lần này phát ra từ hướng ngược chiều với lần trước. Chúng tôi nghĩ rằng hai toán địch ở hai nơi khác nhau đang chơi... trò gì đây! Rồi một tràng súng nổ nữa nhưng cách xa hơn. Chúng tôi suy luận rằng, địch quân nghe tiếng trực thăng, biết có thể có biệt kích xâm nhập, chúng chia ra nhiều tiểu đội nhỏ đi lùng. Thỉnh thoảng bắn báo hiệu cho nhau và thử phản ứng của toán biệt kích.
        Đêm hôm đó, địch quân dò tìm toán biệt kích suốt đêm, nằm trong bụi chúng tôi không một ai ngủ được, thỉnh thoảng cứ nghe một tràng tiếng súng tiểu liên và kết thúc bằng tiếng lựu đạn nổ. Đến sáng sớm hôm sau, toán biệt kích chuẩn bị chui ra khỏi bụi rậm, lên đường, chợt nghe tiếng răng rắc như tiếng cây kho gẫy và một tiếng rầm, tiếp theo là bụi tung lên. Ra khỏi bụi rậm, chúng tôi chứng kiến cảnh một khu rừng chết, những cây to lớn đã chết khô, bị mối ăn, thỉnh thoảng lại ngã xuống.
        Cả toán biệt kích bố trí quan sát khu rừng chết, những thân cây to lớn đổ xuống, lăn đè lên làm gẫy những cành khô, gây ra một chuỗi nổ nhỏ như tiếng súng, và đến khi lăn chạm vào một gốc cây lớn khác mới ngừng lại gây nên một tiếng lớn như lựu đạn.
        Có lẽ cả đêm qua, toán biệt kích phải nghe những âm thanh này. Địch quân cũng sợ chết vì cây đè, chẳng chẳng có đơn vị địch nào dám vào trong khu rừng này “làm ăn”. Tôi ra lệnh cho cả toán di chuyển ra khỏi khu rừng chết trở lại nơi bãi đáp trực thăng.
        Chúng tôi ngồi gần bãi đáp trực thăng suy nghĩ về lệnh hành quân. Mặt trời từ từ lên cao, chúng tôi phải thay đổi kế hoạch thám sát. Theo đúng lệnh hành quân cho toán biệt kích, chúng tôi phải dò thám những con đường mòn trong khu vực. Biết rằng đó là khu rừng chết, nhưng vẫn phải tuân lệnh. Chắc chắn địch quân đã biết rõ tình trạng của khu rừng như chúng tôi mới biết.
        Biết rằng rất nguy hiểm, có thể bị cây gẫy, rơi đè chết nếu vào bên trong tìm những con đường mòn, tôi vẫn không muốn gọi máy về căn cứ hành quân tiền phương xin triệt xuất. Tôi ra lệnh cho toán biệt kích di chuyển trên cỏ tranh, dọc theo bìa rừng. Đi như vậy không có gì che chở cho toán biệt kích, nhưng đi bên trong... cũng chết. Vả lại đám VC cũng không dại gì chui vào trong khu rừng chết, đầy rẫy cây khô, cành khô, rơi xuống lúc nào không biết.
        Toán biệt kích tiếp tục di chuyển dọc theo bìa rừng lên hướng bắc, cho đến khi gặp một giòng suối để lấy nước. Sau khi mọi người lấy đủ sáu bi đông nước, tôi xem lại bản đồ, biết rằng cách đó khoảng 100 thước, có một con đường mòn. Chúng tôi không theo những điều đã được huấn luyện trước đây, cứ chạy thẳng một mạch đến con đường mòn. Mà thực vậy, tên địch nào dám mò vào khu rừng chết này, không thấy dấu vết có người đi lại trên đường mòn. Chúng tôi chụp vài tấm ảnh, một tấm có cây cổ thụ thật to gẫy đổ trên đường, để đem về. Xong việc, đã có đủ tài liệu, bằng chứng, chúng tôi chạy ra khỏi khu rừng đến bãi cỏ tranh bên cạnh giòng suối.
        Đêm đó chúng tôi bố trí ngủ đêm tại một vị trí gần giòng suối, và cả đêm lại nghe tiếng cây gẫy đổ như đêm trước. Sáng hôm sau, tôi gọi lên chiếc máy bay quan sát FAC, yêu cầu tiếp vận về căn cứ hành quân tiền phương Bunard, chúng tôi đã xong nhiệm vụ sớm hơn dự trù và yêu cầu triệt xuất. Đó cũng là một chuyến hành quân xâm nhập vào “Hố Cạn”. Chúng tôi mong gặp VC thứ thiệt thay vì những gì đã gặp trong khu rừng chết.

THUNG LŨNG CỦA TÔI
        Trong tháng Ba 1970, hành quân Delta vẫn còn trên căn cứ hành quân tiền phương Bunard, thám sát những khu vực dọc theo giòng sông Đồng Nai. Toán biệt kích của tôi được trao cho nhiệm vụ thám sát những nhánh sông nhỏ, nơi chân những rặng núi sát vùng trách nhiệm của quân đoàn II, vùng 2 chiến thuật. Khu vực hành quân xâm nhập này nằm xa nhất của tầm bay của loại trực thăng đổ quân UH-1, và toán biệt kích do tôi chỉ huy là toán đầu tiên phải xâm nhậm, dò thám khu vực xa xôi đó.
        Những chuyến xâm nhập trước đó, toán của tôi thường được trao cho trách nhiệm dò thám những khu vực dọc theo biên giới Việt-Miên. Trong phần thuyết trình hành quân cho chuyến xâm nhập mới này, tôi được cho biết, có một đơn vị cấp lớn của địch đóng quân trong khu vực và toán biệt kích có nhiệm vụ nhận diện đơn vị này.
        Sau khi nghe thuyết trình, tôi cùng với phi công O-1 bay thám sát khu vực hành quân và tìm bãi đáp đê xâm nhập, triệt xuất. Trên đường đến mục tiêu, chúng tôi bay trên cao độ 2000 bộ. Khi đến không phận mục tiêu, từ trên cao nhìn xuống, tim tôi muốn ngừng đập. Dưới đáy thung lũng, nơi những nhánh sông nhỏ sẽ đổ vào sông Đồng nai, có bề rộng 15 cây số và cả vùng thung lũng có chiều dài khoảng 40 cây số và những vách núi dựng đứng hai bên. Khu vực thám sát quá rộng, và điều tôi để ý nhất là có nhiều đường mòn chạy từ trên những sườn núi xuống thung lũng. Cả khu vực được những cánh rừng nhiệt đới, cây cối rậm rạp che phủ. Những con đường mòn chạy từ trên xuống theo hướng bắc nam dọc theo thung lũng và ngang dọc từ đông sang tây, và có dấu hiệu địch quân xử dụng, di chuyển rất thường trên những con đường mòn.
        Kể từ lần xâm nhập vào thung lũng A Shau, tôi không thể nhầm được, những con đường mòn này phải cỡ cấp sư đoàn của địch di chuyển mới bị nén xuống như thế. Nếu ai có hỏi, sau khi chiến khu C bị khai quang, quân VC, Bắc Việt di chuyển đi đâu, thì hôm nay tôi đã tìm thấy câu trở lời. Tôi yêu cầu phi công lái chiếc máy bay thám thính O-1 bay thấp một vòng để tôi quan sát cho kỹ hơn, nhưng anh ta “lạnh cẳng”, từ chối, trả lời địch quân đầy trong thung lũng.

        Tôi chọn bãi đáp xâm nhập là một khoảng đất trống, có một con đường mòn chạy ngang qua, nơi tận cùng phiá đông rặng núi làm thành thung lũng. Tôi chọn điểm xâm nhập này để trực thăng đưa toán biệt kích vào mà không phải bay ngang qua khu vực thung lũng, an toàn hơn. Thêm nữa, chuyến xâm nhập này tôi định “vào” vùng khi tia nắng đầu tiên thay vì lúc hoàng hôn như những lần trước.
        Trở về căn cứ hành quân tiền phương Bunard, tôi thuyết trình lại cho toán viên. Sau khi kể rõ những điều mắt tôi trông thấy, cả toán biệt kích xanh mặt, không dè toán biệt kích bọn tôi lãnh nhiệm vụ xâm nhập vùng “Thung lũng Tử Thần”. Lần này chúng tôi chuẩn bị đem theo thật nhiều đạn dược, mìn Claymore và lựu đạn... để chiến đấu. Và đem theo ít lương thực hơn những chuyến đi trước. Phải lo chuyện tìm đường sống trước nhất. Trung sĩ nhất William R. “Grit” Pomeroy Jr., toán phó, nên dành thì giờ cầu nguyện, nên chúng tôi đi ngủ sớm.
        Yêu cầu ra đi trước rạng đông được chấp thuận và toán biệt kích lên đường vào buối sáng sớm hôm sau, khi trời vẫn còn tối. Chiếc trực thăng chở chúng tôi tách khỏi đội hình, khi ra khỏi căn cứ hành quân khoảng mười cây số, sau đó bay dọc theo sông Đồng Nai lên bãi đáp. Khi qua khỏi rặng núi nơi hướng đông, phi công trông thấy bãi đáp và thả xuống toán biệt kích.
        Trực thăng vừa là là xuống, tôi đã phóng ra khỏi phi cơ chạy vào bià rừng và dẫm lên ngay một bãi phân voi, ngập đến đầu gối. Cả toán biệt kích chạy đến bìa rừng, chúng tôi bố trí quan sát con đường mòn, vừa ngạc nhiên bớt lo âu. Cả bãi đáp lẫn con đường mòn đều có dấu vết của loài voi, phân của chúng vương vãi tùm lum, khắp nơi trên con đường mòn. Thì ra con đường mòn này không phải do người tạo nên, đi lại mà chủ nhân ông của con đường là một đàn voi rừng... và như vậy mấy ông Vi Xi (VC) cũng phải tránh né khu vực này, kiếm chỗ khác “làm ăn”. Cả đôi ta, địch và bạn, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
        Đã có nhiều váo cáo trước đây, địch quân xử dụng voi để chở đồ tiếp vận, những chiến cụ nặng, nên chúng tôi vẫn phải cẩn thận, có địch trong khu vực. Toán biệt kích thận trọng di chuyển sâu vào trong rừng, khu vực thung lũng. Không bao lâu, chúng tôi biết rằng, không có dấu vết địch quân trong khu vực hành quân, dò thám. Và cũng không có dấu vết chứng tỏ có sự xuất hiện của loài người trước khi toán biệt kích đặt chân đến. Những đàn khỉ, vượn, chim chóc chưa từng có kinh nghiệm về loài người, chưa biết sợ, nhìn toán biệt kích dò xét. Chúng tôi nghe được tiếng động, tiếng kêu của đàn voi di chuyển đi xa chúng tôi. Những con voi đánh hơi người lạ xâm nhập vào giang sơn của chúng thật tài tình. Chúng tôi không thể đoán được đàn voi có bao nhiêu con, nhưng chắc phải nhiều lắm, mới đủ khả năng “xây dựng” những con đường mòn trong khu vực thung lũng.
        Đến buổi chiều hôm đầu tiên xâm nhập, chúng tôi mới gặp “Người của núi rừng” (Forest People). Tôi đã nghe nói về họ từ những binh sĩ Thượng và LLĐB/VN nhưng đây là lần đầu tiên mới được gặp. Một lần trước đây khi còn chỉ huy một đại đội DSCĐ hoạt động trong khu vực đông bắc tỉnh Bình Long. Lúc đó vào mùa khô, những giòng suối nhỏ đã cạn nước, chỉ có một con suối có nước, nằm sâu trong cánh rừng rậm. Để giữ an ninh, tôi chỉ cho mỗi tiểu đội một người đại diện đi xuống suối lấy nước, phần còn lại bố trí phòng thủ.
        Vài phút sau, có những tiếng la hét từ dưới suối vọng lên, rồi những người đi lấy nước, xách những bi đông không quay trở về. Tôi hỏi và được binh sĩ người Thượng trả lời “Con suối thuộc quyền sở hữu ‘Người của núi rừng’, họ không cho phép lấy nước và mình phải ra khỏi khu vực này”. Câu trả lời, tôi không hiểu nổi, nhưng các DSCĐ có vẻ rất “nể nang” họ.
        “Người của núi rừng” bỗng xuất hiện trong khu vực hành quân xâm nhập của toán biệt kích, họ ở trên cây, và xung quanh chúng tôi. Chúng tôi không nghe được sự di chuyển của họ... tự nhiên xuất hiện. Họ xuất hiện nhanh chóng, chúng tôi không biết được có bao nhiêu người. Rồi một con đực to lớn nhất nhẩy từ trên cây xuống, đến gần toán biệt kích quan sát. “Người của núi rừng” cao khoảng năm bộ (không tới 1m60), hai cánh tay dài, lông lá trông như đười ươi, khỉ đột, có lẽ cùng họ với loài khỉ đột cam (Orangutan, sống ở Indonesia). Con này nhe nanh gầm gừ như muốn nói, toán biệt kích nên cuốn gói ra khỏi giang sơn của chúng, rồi cả đàn biến mất nhanh chóng như lúc xuất hiện.
        Toán biệt kích tiếp tục di chuyển êm thấm đến ngày triệt xuất. Trong cánh rừng có nhiều thú lạ, một nơi chưa có loài người đặt chân đến. Khu vực hành quân xâm nhập của chúng tôi là một “Hố Cạn”, không có bóng dáng địch quân. Xin cảm ơn Thượng Đế một lần nữa. Toán biệt kích như lạc vào thiên thai, rất tiếc phải về sớm vì chúng tôi chỉ mang theo ít đồ ăn. “Thung lũng Tử Thần” trở thành “Thung lũng của tôi”.
        Sau khi chúng tôi quay về, hành quân Delta chấm dứt hoạt động trên căn cứ hành quân Bunard. Tất cả được đưa về Nha Trang nghỉ ngơi ít hôm trước khi được không vận ra ngoài vùng 1 chiến thuật, thiết lập căn cứ hành quân Mai Lộc.
        Toán biệt kích chúng tôi đã đem về tin tức, không có bóng dáng VC, quân đội Bắc Việt trong khu vực “Thung lũng của tôi”, và họ không phải là chủ nhân, xây dựng những con đường mòn trong khu vực.
        Năm 1975, những đoàn xe chuyển quân của quân đội Bắc Việt về hướng Saigon cũng không đi ngang qua, tàn phá “Thung lũng của tôi”. Sau này, một tờ báo ở Hoa Kỳ có bài viết cho biết tìm thấy một giống tê giác lạ trong khu vực thung lũng gần sông Đồng Nai. Tôi xem lại tấm bản đồ cũ... Và đúng ý chang, trong “Thung lũng của tôi”. Khu vực thung lũng này bây giờ có tên là Nam Cát Tiên, một khu rừng nguyên sinh, được chính quyền bảo vệ.

MỘT CHUYẾN ĐI DẠO TRONG RỪNG
        Trong tháng Tư năm 1970, hành quân Delta “dọn nhà” ra khỏi Bunard, về Nha Trang nghỉ ngơi và trong tháng Năm, di chuyển ra Quảng Trị, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương bên ngoài trại Lực Lượng Đặc Biệt Mai Lộc. Nhiệm vụ cho hành quân Delta ngoài vùng 1 lần này, thám sát khu vực biên giới Lào-Việt, từ vùng phi quân sự về hướng nam đến căn cứ Khe Sanh.
        Trại LLĐB Mai Lộc là tiền đồn xa nhất về phiá bắc VNCH, “Địch quân có thể ném đá vào căn cứ thay cho đạn pháo kích”. Đây cũng là chuyến hành quân Delta thứ hai xử dụng căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc, và các toán biệt kích đều biết rằng, khu vực hành quân mới này không phải “dễ ăn”. Có rất nhiều đơn vị Bắc Việt trong khu vực hành quân, và nhiệm vụ cho các toán biệt kích Delta, đi tìm và nhận diện các đơn vị này trong mỗi chuyến hành quân xâm nhập kéo dài năm ngày. Cứ mỗi lần toán biệt kích xâm nhập vào khu vực Khe Sanh, Lang Vei đều rất có thể sẽ phải triệt xuất khẩn cấp.
        Sau khi đến Mai Lộc ít lâu, toán biệt kích của tôi được mời vào trung tâm hành quân nghe thuyết trình và nhận lệnh. Khu vực hành quân xâm nhập được giao phó cho toán biệt kích nhìn trên bản đồ trông có vẻ rất gay go. Khu vực này sát biên giới Lào-Việt, phiá nam trại LLĐB bỏ hoang Lang Vei, tây nam căn cứ cũng bỏ hoang, trại LLĐB và căn cứ Khe Sanh của TQLC/HK. Và nằm dưới con đường 616 chạy từ bên Lào qua phần đất Việt Nam.
        Đường 616 là một nhánh tẽ ra từ hệ thống đường mòn HCM trên đất Lào, để quân đội Bắc Việt chuyển quân, chiến cụ, đồ trang bị tiếp vận vào tỉnh Quảng Trị. Địch quân xử dụng con đường này rất thường xuyên, những toán biệt kích Delta xâm nhập trước đây đã báo cáo, trông thấy xe cộ của địch di chuyển trên đường 616 tại nhiều toạ độ. Toán biệt kích của tôi sẽ xâm nhập vào khu vực có hình dáng “Lưỡi câu” do giòng sông Tchépone uốn quanh rặng núi Cơ Rốc, cao hơn 1000 bộ trên đất Lào.
        Chỉ cần nhìn khu vực hành quân trên bản đồ, tôi có linh cảm “chuyện lớn” sắp xẩy ra. Toán biệt kích đã được sĩ quan ban 2 thuyết trình, nói rằng trong khu vực có sự hiện diện của nhiều đơn vị Bắc Việt, cùng với các binh trạm, kho tiếp vận. Nhiệm vụ chính cho toán biệt kích, tìm các kho tiếp vận dấu kín trong rừng già của địch và chứa những “món hàng” nào? Nhận nhiệm vụ tôi biết ngay, chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm hay “trời thương”.
        Sau đó tôi đi bay thám sát khu vực hành quân, điểm xâm nhập, triệt xuất. Đúng như trên bản đồ hành quân, từ trên máy bay thám thính FAC nhìn xuống, khu vực xâm nhập trông như hình lưỡi câu do dòng sông Tchépone uốn cong. Ba mặt bao quanh “lưỡi câu” thuộc về nước Lào, mặt còn lại thuộc về Việt Nam và có rất nhiều hố bom, lỗ chỗ ở dưới, chứng tỏ khu vực này đã bị oanh kích nặng nề. Tôi chọn được một điểm xâm nhập là một hố bom ngay bên cạnh khu vực xâm nhập, điểm triệt xuất dưới chân ngọn núi Cơ Rốc.
        Phi công lái chiếc O-2 cũng xác nhận với tôi, khu vực xâm nhập “rất nóng” (nguy hiểm) và toán biệt kích có cơ hội chạm địch ngay tại nơi bãi đáp xâm nhập. Chúng tôi quyết định xâm nhập vào lúc trời vừa sáng và được chấp thuận. Trong lúc chờ đợi, cả toán biết kích thực tập “tao ngộ” chiến, đề phòng trường hợp chạm súng bất ngời với địch quân. Tiếp theo là kiểm soát lại ba lô hành trang cho chuyến “công tác” đặc biệt này. Và toán biệt kích lên đường vào sáng sớm ngày hôm sau, khi ánh mặt trời chưa lên cao.
        Trực thăng đưa toán biệt kích vào bãi đáp dễ dàng, khi còn cách mặt đất khoảng sáu bộ, chúng tôi nhẩy ra khỏi trực thăng chạy nhanh vào bờ rừng, gom lại và bắt đầu di chuyển. Vào bên trong chúng tôi gặp ngay một hàng rào làm bằng tre cao đến bụng, lúc đó mới biết bãi đáp trực thăng xâm nhập là một khu vườn canh tác của một đơn vị hậu cần Bắc Việt và một qủa bom 500 cân Anh, không quân Hoa Kỳ đã phá hủy khu vườn.
        Toán biệt kích đi sâu vào khoảng năm mươi thước, khám phá ra được một binh trạm cấp đại đội đã bỏ hoang của địch. Trong căn cứ bí mật có khoảng mười dẫy nhà sàn, có mái che, có thể chứa mười người, hầm trú ẩn tránh bom. Binh trạm này có lẽ được dùng làm nơi nghỉ chân cho các đơn vị Bắc Việt di chuyển ngang qua, không thấy có hệ thống phòng thủ, chiến đấu, giao thông hào. Quan sát những cây cỏ hoang, giây leo mọc lên khắp nơi, chúng tôi đoán rằng địch đã bỏ hoang căn cứ này hơn sáu tháng.
        Từ trong binh trạm này có hai đường mòn, một dẫn đến đường 616, ngã kia đi về hướng tây nam. Cũng như binh trạm, cả hai đường mòn đều đã không xử dụng từ lâu, cỏ dại đã lan lên trên đường. Toán biệt kích di chuyển song song, dọc theo con đường mòn cho đến khi ra khỏi khu vực dò thám nhưng chẳng thấy gì khác thường. Chúng tôi quay trở lại binh trạm và theo con đường mòn kia, đi về hướng tây nam. Cũng chẳng tìm thấy gì, chúng tôi hơi ngạc nhiên, không lẽ lại vào một “Hố Cạn”.
        Trên lộ trình di chuyển về hướng tây nam, chúng tôi đến một ngã rẽ, trái phải dẫn đến khu chứa hàng, những nhà kho nơi địch quân xây những sàn lớn kích thước 10x20 bộ, cao hơn mặt đất 3 bộ. Chúng tôi lục soát xung quanh, tìm thấy khoảng hai mươi kho hàng trống rỗng, có lẽ địch quân đã di chuyển đi chỗ khác. Cả ngày lục soát khu vực chỉ thấy căn cứ, kho hàng đã bỏ hoang, chúng tôi nghĩ rằng địch quân đã di chuyển đi nơi khác.
        Qua ngày hôm sau, toán biệt kích di chuyển về hướng biên giới Lào Việt để triệt xuất. Ra khỏi khu vực binh trạm bỏ hoang, chúng tôi di chuyển trong thung lũng dưới những ngọn đồi, bóng cây rậm rạp của khu rừng nhiệt đới. Tôi dự trù cứ tiếp tục di chuyển cho đến khi gặp giòng sông Tchépone cắt ngang, đó cũng là đường biên giới Việt Lào.
        Đến cuối ngày thứ hai, bốn quân nhân LLĐB/VN trong toán, tin rằng chúng tôi đã được Thượng Đế ban cho một “Hố Cạn” và bắt đầu lơ là. Tôi phải cho họ biết, mới được nửa đoạn đường, vẫn phải cẩn thận.
        Đến sáng ngày thứ tư, toán biệt kích thức dậy trong một buổi sáng yên bình, khu rừng yên tĩnh. Chúng tôi di chuyển đến bãi đáp để được triệt xuất, ngọn núi Cơ Rốc sừng sững như thách đố. Đến gần trưa, chúng tôi đến một giòng suối cắt ngang lộ trình di chuyển.
        Chợt từ phiá bên kia bờ suối, tôi trông thấy ba người lính Bắc Việt cũng đang đi xuống suối. Tôi định nổ súng nhưng chần chừ, chờ Grit vì ba địch quân nằm trong hướng bắn của anh ta. Grit đang dấu mình trong đám cỏ tranh ngay sát bờ suối. Tôi định quạt một băng, nhưng sợ có viên trúng Grit, nên kiên nhẫn nằm chờ.
        Rồi ba tên lính Bắc Việt đột nhiên quay trở lại, hình như bọn chúng đang đi săn trong giang sơn của chúng nên rất tự tin đến độ thản nhiên. Trong khi đó, trung sĩ William R. “Grit” Pomeroy Jr. “đang làm gi?”. Tôi giận điên lên... nhưng sau này tôi được biết, Grit là một người rất nặng vấn đề tín ngưỡng. Sau khi trở về Hoa Kỳ, anh ta theo học trong một trưòng “dòng”, tốt nghiệp về Thần Học, trở lại quân đội làm tuyên úy. Grit vẫn nhớ đồng đội, xin làm việc trong binh chủng LLĐB.
        Trên chuyến trực thăng triệt xuất về căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc, chúng tôi được biết hành quân Delta sẽ chấm dứt và tất cả sẽ di chuyển về Nha Trang để được phân phối ra các đơn vị khác. Đó cũng là chuyến hành quân xâm nhập cuối cùng của tôi trong hành quân Delta.
 Dallas, TX
vđh

No comments:

Post a Comment