Friday, May 6, 2011

CHÚNG TA ĐÃ MỘT THỜI

CHÚNG TA ĐÃ MỘT THỜI
CAN ĐẢM VÀ NGU XUẪN
Sgm. Alfred “Al” C. Friend
Riêng tặng những cựu biệt kích SOG và những người đã hy sinh

        Một buổi chiều sau những giờ tập luyện đổ mồ hôi trong khu rừng nhiệt đới, vài huấn luyện viên cùng với “học viên” thuộc đơn vị SOG vào câu lạc bộ uống vài chai bia xả hơi. Trung sĩ Jason T. Woodworth thuộc căn cứ hành quân tiền phương 2 (FOB-2) lên tiếng hỏi “Al, anh và Ben đã từng đi hành quân với toán biệt kích. Cảm tưởng thế nào? Ý tôi muốn so sánh với những khoá huấn luyện khác”. Tôi suy nghĩ vài giây, rồi trả lời rất thành thực.
        “Đầu tiên là chúng ta đang ở trên vùng đất của người Da Đỏ. Mình giống như con mèo đi nhón gót nhẹ nhàng trong một căn phòng đầy những con chuột đang ngủ. Anh phải biết rằng nếu một con tỉnh giấc, sẽ có một trận đánh nhau, và nếu chúng bắt được anh, mọi chuyện kết thúc! Tuy nhiên, anh là người Hoa Kỳ nên hy vọng sẽ được đi thăm một trại tù binh nào đó. Còn nếu anh là biệt kích quân người Việt hay Nùng, mạng sống của anh... kể như đi đứt! Khi anh vượt biên qua Lào hoặc Cambodia, trước một kẻ thù đông gấp bội, anh sẽ phải chiến đấu cho sinh mạng của anh.”.               
        Tôi và Ben cùng với trung sĩ Gene Williams là toán biệt kích thứ năm xâm nhập vào đất Lào. Trung sĩ nhất Charles “Slat” Petry, trung sĩ nhất William Card và trung sĩ Jim “Halo” Smith đã xâm nhập hai chuyến đầu với cùng kết qủa. Do đó phải tổ chức lại, chọn lựa toán viên và huấn luyện kỹ càng (con sâu làm rầu nồi canh).
        Trong tháng Năm 1968, trại LLĐB Khâm Đức có một tiểu đoàn thuộc sư đoàn Americal lên tăng cường, bị hai trung đoàn chính quy Bắc Việt tấn công, tràn ngập. Trong trận đánh này, quân đội Hoa Kỳ tổn thất nhân mạng 37 quân nhân. Trong tháng Tám năm 1970, bộ chỉ huy Bắc (CCN), đơn vị SOG, cùng với sư đoàn Americal phối hợp, mở lại căn cứ này, nhưng gặp phải phản ứng quyết liệt của quân đội Bắc Việt nên bộ chỉ huy Bắc phải bỏ luôn Khâm Đức (Trước đó, SOG xử dụng trại LLĐB Khâm Đức để đưa những toán biệt kích xâm nhập qua Lào). Những quân nhân SOG thuộc bộ chỉ huy Bắc (CCN) tham dự cuộc hành quân này gồm có: đại úy G. Jordan, trung sĩ nhất R.L. Noe (đi phép trong thời gian căn cứ bị tấn công), P. Bellofatto, trung sĩ A. Zapada, J. Lyman, M. Jordan, Billips, và M. Gonzales.
        Chúng tôi đến khu vực Khâm Đức vào cuối năm 1965, trên những ngọn núi gần biên giới Lào-Việt, nơi hướng tây nam thành phố Đà Nẵng. Ở đó đã có toán A-105 LLĐB/HK chỉ huy trại LLĐB Khâm Đức). Bộ chỉ huy Bắc thiết lập căn cứ hành quân tiền phương (FOB) ở đó.
        Tại các trại LLĐB ngoài vùng I chiến thuật, bạn bước ra khỏi cổng trước đã có thể bị bắn sẻ, phục kích trước khi ra đến phi đạo. Toán A LLĐB đến trại LLĐB Khâm Đức trước đó đã đặt rất nhiều mìn bẫy, khi toán này đến, cỏ tranh cao hơn đầu người đã phủ kín bãi mìn, không ai dám ra gỡ những quả mìn đó nữa.
        Mục tiêu của chúng tôi (toán biệt kích SOG) là những kho chứa đồ tiếp vận của quân đội Bắc Việt, dấu trong khu vực rừng núi rậm rạp, phiá bên kia rặng núi, trên đất Lào. Toán biệt kích SOG đã nằm chờ (thơì tiết tốt) cả tuần lễ, hy vọng trời sẽ quang đãng, hết mưa để thi hành công tác. Trung tá  Raymond “Cherokee” Call ở Đà Nẵng (CCN) lợi dụng trời tốt, bay (trực thăng) lên Khâm Đức. Tôi rất “ngần ngại” thời tiết ở đây, khi đã xâm nhập vào đất Lào, bỗng dưng thời tiết trở nên xấu, kể như toán biệt kích “kẹt” luôn, chỉ còn nước lội bộ trở về. Nhưng bộ chỉ huy MACV thúc đẩy, nên toán biệt kích phải lên đường.
        Toán biệt kích xuống bãi đáp không có gì trở ngại. Nhưng như tôi đã lo ngại, khi chúng tôi vừa di chuyển, mây đen lại kéo đến che kín bầu trời, rồi bắt đầu mưa. Cơn mưa thật to, phải di chuyển qua bãi cỏ tranh dưới mưa là một cực hình. Chúng tôi nghĩ rằng, địch quân cũng chẳng đi lại trên đường mòn trong cơn mưa gió nên, nên mọi người đi trên con đường... cho đỡ cực nhọc.
        Toán biệt kích ăn mặc bộ quần áo “bà ba đen” ướt sũng nước. Ba biệt kích Nùng đi đầu dẫn đường, “Ski” (trung sĩ nhất Bernie “Ben” Dunakoskie), một thiếu úy LLĐB/VN và tôi đi phiá sau. Khi trời hết mưa, chúng tôi tiếp tục đi trên con đường thêm một đoạn nữa trước khi chui vào một bụi cây.
        Gần bụi cây, con đường uốn quanh, chúng tôi có thể quan sát cả hai phiá. Bỗng người biệt kích Nùng hướng đạo (nhiều kinh nghiệm, luôn đi đầu) ra dấu hiệu có một toán tuần tiễu của địch, nhưng không ai trông thấy để chuẩn bị. Khi toán lính Bắc Việt đến khúc quanh, ông thiếu úy LLĐB lên đạn khẩu tiểu liên K-9 Thụy Sĩ, rồi hai bên nổ súng.
        Người biệt kích Nùng vừa bắn vừa lui về chỗ toán biệt kích. Từ hai đầu con đường mòn, thấy xuất hiện thêm nhiều lính Bắc Việt. Chúng tôi vội nổ súng để yểm trợ cho người biệt kích Nùng rút lui, rồi cả toán rút lui qua một bụi cây khác. Trong khi địch tiếp tục bắn vào bụi cây chúng tôi đã rút ra. Người biệt kích Nùng cho biết địch có khoảng một đại đội.
        Trong khi toán lính Bắc Việt vẫn tiếp tục bắn cầm chừng đợi quân tăng viện, chưa dám tấn công, tôi ra lệnh cho toán biệt kích tiếp tục lui ra khỏi khu vực chạm súng. Trong toán biệt kích đã có người trúng đạn, Lon bị trúng một viên nơi vai, vết thương không nặng, tôi băng vội cho anh ta, rồi để anh ta đi phiá sau. Lúc này tôi và “Ski” lên dẫn đường cho toán biệt kích.
        Ra khỏi khu vực nguy hiểm, tôi dẫn đầu toán biệt kích chạy trở lại bãi đáp trực thăng. Sau khi chạy được khoảng một tiếng đồng hồ, thấy có vẻ an toàn, tôi cho lệnh ngừng lại để xem lại toán biệt kích. Thêm hai biệt kích Nùng bị thương nhẹ, chúng tôi băng bó tạm để không để lại vết máu trên đường rút lui.
        Lúc đó chúng tôi bắt đầu lo sợ (không như lúc nổ súng, sống... chết). Sau khi địch quân chấn chỉnh lại, chúng sẽ đuổi theo toán biệt kích. Và chúng tôi tiếp tục chạy, giữ khoảng cách với địch quân càng xa càng tốt, trước khi trời sập tối. Trên đường chạy, thỉnh thoảng chúng tôi ngừng lại để tôi chấm lại điểm đứng. Chúng tôi gặp nhiều đường mòn ngang dọc, có thể do người thiểu số bên Lào đi săn bắn. Chúng tôi tìm cách xóa dấu chân khi di chuyển, để địch quân không thể tìm ra lộ trình toán biệt kích di chuyển.
        Tôi ra lệnh cho toán biệt kích di chuyển nhanh, phải ra khỏi khu rừng cây rậm rạp mới liên lạc được với căn cứ hành quân tiền phương Khâm Đức. Chúng tôi tìm được một khoảng trống, trải tấm pano để nhận diện. Chiếc phi cơ quan sát FAC đã nhận ra toán biệt kích ở dưới, cho chúng tôi điểm đứng chính xác và hướng dẫn chúng tôi di chuyển đến một bãi đáp gần nhất để trực thăng vào đón. Bãi đáp cách vị trí hiện tại của toán biệt kích khoảng... ba cây số.
        Viên phi công FAC hỏi có áp lực của địch không? Tôi trả lời “có” bằng hai tiếng “click” bóp vào tay cầm cobinet máy truyền tin. Tuy nhiên FAC nói, mây thấp trực thăng không thể vào ngay được, hẹn sẽ đón toán biệt kích tại bãi đáp lúc 9:00 giờ sáng hôm sau. Tôi trả lời “OK!”, chiếc FAC vội bay đi chỗ khác để đánh lạc hướng địch quân. Chúng tôi lại đeo ba lô di chuyển để bù lại thời gian bị mất khi liên lạc với chiếc FAC và trước khi trời tối.
        Chúng tôi vừa đi vừa ăn, trước khi trời tối, tôi cho lệnh ngừng lại nghỉ để xem lại toán biệt kích. Vết thương của Lon vẫn còn chẩy máu vì phải di chuyển, tôi băng thêm một lớp nữa, rồi toán biệt kích lại tiếp tục lên đường cho đến khi trời tối hẳn. Chúng tôi tìm được một bụi cây lớn chui vào, nằm thành vòng tròn, đầu quay vào trung tâm để phòng thủ.
        Nằm yên được khoảng một tiếng đồng hồ, chợt một loạt súng nổ vang ở xa vọng lại làm cả toán biệt kích giật mình. Đó là kiểu bắn “dọ dẫm” của địch, tôi nói khẽ với biệt kích Nùng tên Cẩn nằm cạnh “nói mọi người, khóa an toàn khẩu súng”. Bây giờ một phát súng nổ bất cẩn, chẳng khác gì “Lậy ông! Tôi ở bụi này” (Đúng vậy, toán biệt kích đang nằm trong bụi).
        Tiếng súng càng rõ hơn, cùng với tiếng người gọi nhau, tôi có cảm giác, tóc gáy mình dựng lên. Chúng tôi biết địch đang mong chúng tôi bắn trả lại. Lính Bắc Việt càng lúc càng gần về phiá toán biệt kích, tôi hồi hộp, hy vọng mọi người ai cũng giữ được bình tĩnh. Cuối cùng, chúng tôi nhìn thấy địch quân chỉ cách bụi cây khoảng 30 thước, cầm đuốc soi xuống đất tìm dấu vết, nhưng đám cỏ đã được chúng tôi đưa chân gạt qua lại làm đứng thẳng trở lại.
        Không biết làm gì hơn, một tên quạt vào trong bụi cây, nơi có toán biệt kích một loạt đạn, bay ngang đầu chúng tôi vài phân. Rồi tiếp theo, một tên khác bước vài bước về hướng bụi cây quan sát. Toán biệt kích “đứng tim”, tôi có cảm tưởng chúng không bao giờ đi khỏi chỗ này, một biệt kích Nùng sờ nhẹ vào tay tôi như chờ lệnh, nhưng chúng tôi vẫn nằm im. Ít phút sau, toán lính Bắc Việt bỏ đi, ánh đuốc cùng với tiếng người từ từ đi xa dần... Chúng tôi thở mạnh ra.
        Trước khi trời sáng, chúng tôi ăn thật nhanh rồi bắt đầu di chuyển về hướng bãi đáp. Toán biệt kích di chuyển thật chậm, cẩn thận nghe ngóng. Chúng tôi chỉ nghe tiếng chim hót chào mừng buổi sáng sớm. Bầu trời vẫn còn những đám mây xám, tôi hy vọng mặt trời lên sẽ làm tan bớt mây, để trực thăng vào đón chúng tôi.
        Khoảng 6:30 phút, chúng tôi đến một giòng suối, nước chẩy từ trên núi xuống và sẽ đến bãi đáp trực thăng. Tôi quyết định cho toán biệt kích đi dưới suối để không để lại dấu chân, vả lại, trên bản đồ giòng suối sẽ đi đến bãi đáp để trực thăng vào triệt xuất toán biệt kích. Không sợ để lại dấu chân, chúng tôi di chuyển nhanh. Khoảng 7:30 toán biệt kích ngừng lại để nghỉ lấy sức, tôi coi lại vết thương của Lon, lấy nước suối rửa sơ qua vết thương, viên đạn vẫn còn nằm bên trong, anh ta nghiến răng để khỏi la. Sau đó tôi cột cánh tay lại, đồ ăn và những đồ nặng của Lon chia cho anh em trong toán biệt kích mang bớt. Hai biệt kích Nùng khác bị thương nhẹ cũng được thay băng, rồi đem tất cả những cuộn băng dính máu đi chôn, không để lại dấu vết.
        Chúng tôi ngừng chân lúc tám giờ sáng, để liên lạc nhưng không có phi cơ nào trên bầu trời nên không được. Tôi lo lắng, với thời tiết xấu, phi cơ không vào được để “bốc” toán biệt kích. Trong chuyến xâm nhập đầu tiên vào đất Lào, cùng với trung sĩ nhất Petry, một trực thăng CH-34 thuộc phi đoàn 219 “King Bee” Việt Nam chở đại úy Larry Thorne bị rơi cũng vì thời tiết xấu thay đổi nhanh chóng. Đại úy Thorne cùng phi hành đoàn Việt Nam tử nạn.
        Khi toán biệt kích di chuyển đến, chỉ còn cách bãi đáp khoảng 200 thước, người biệt kích Nùng đi đầu nổ súng và từng loạt súng nổ tiếp theo, vang dội núi rừng. Có lẽ địch đã nghi ngờ, khu vực này có thể làm bãi đáp trực thăng, và chúng tôi đã đụng đầu với toán canh gác của địch. Các biệt kích quân Nùng, không do dự (vì địch ít người), chạy lên tấn công chớp nhoáng. Đạp lên đầu địch quân (có lẽ chỉ một, hai tên đã bị tiêu diệt), chúng tôi tiếp tục chạy đến bãi đáp. Đó là nguồn hy vọng của toán biệt kích, phải đến bãi đáp, tử thủ cho đến khi trực thăng vào cứu.
        Chúng tôi đến bãi đáp, việc đầu tiên coi lại toán biệt kích, đã có ba biệt kích Nùng bị thương nhẹ đang xé băng cá nhân băng tạm vết thương. Tôi ra lệnh cho “Ski” cùng với hai biệt kích Nùng đi quanh khu vực bãi đáp, coi chừng còn tên địch nào nữa không. Tôi đi lại chỗ Lon, anh ta gục vào một thân cây, khuôn mặt tái xanh vì đau đớn và kiệt sức. Phía bên phải áo của anh ta đẫm ướt máu, từ hôm qua đến giờ Lon đã mất nhiều máu vì phải di chuyển, phải chạy. Lon thực sự là một người can đảm, không kêu than. Tôi cởi áo anh ta ra, miếng băng đã đẫm máu đang nhỏ từng giọt máu xuống. Tôi thay miếng băng khác, cột chặt vết thương lại để cầm máu. Đến lúc đó tôi biết rằng Lon không thể chạy được nữa, và cả toán biệt kích cũng đã... hết đường.
        Có tiếng súng nơi hướng “Ski” và Cẩn đang lục soát. Tôi đỡ Lon nằm xuống đất, lấy khẩu tiểu liên Thụy Sĩ K-9 của anh ta, tháo cơ bẩm vứt đi một nơi, khẩu súng một hướng khác. Tôi ra hiệu cho hai biệt kích Nùng lại, khiêng Lon ra bìa bãi đáp trực thăng nằm đợi. Lúc đó “Ski” và Cẩn lui trở lại, sau lưng họ có lính Bắc Việt chạy qua lại giữa những thân cây lớn. Tôi nổ súng làm chúng phải đứng lại, nấp sau thân cây. Toán biệt kích chỉ còn ba người chưa bị thương, tôi ra lệnh cho binh sĩ Nùng bố trí sau những hàng cây nơi bià rừng, quay lưng ra bãi đáp chống cự với địch. “Ski” bò ra giữa bãi đáp trải tấm Pano làm dấu cho trực thăng trông thấy, Cẩn bò theo bảo vệ “Ski”. Sau khi xong việc, cả hai di chuyển qua phiá bên kia, nằm bảo vệ bãi đáp trực thăng.
        Tôi mở máy truyền tin, cố gắng liên lạc. Bầu trời vẫn u ám, nhiều mây. Tôi biết rằng, đến buổi chiều nếu trực thăng không vào được, định mệnh dành cho toán biệt kích coi như... đã an bài. Khoảng 10:00 giờ sáng, tôi nghe tiếng khu trục A1 Skyraider bay vần vũ trên bầu trời, vội đổi qua tần số “Không-Lục” để liên lạc. Tiếp theo là tiếng trung tá Call, bộ chỉ huy Bắc (CCN) gọi danh hiệu của toán biệt kích.
        Trung tá Call báo cho biết đã cho một trực thăng tải thương đến. Tôi báo tín hiệu “Shining Brass” (Khẩn cấp! Toán biệt kích đang lâm nguy, có thể bị tiêu diệt). Khi phi cơ quan sát bao vùng nhận được tín hiệu “Shining Brass”, sẽ điều động tất cả các phi cơ: phản lực, khu trục, trực thăng võ trang, đang trên vùng hành quân Shining Brass của đơn vị  SOG (Lào) bay về đánh giải vây để cứu toán biệt kích đang gặp nguy hiểm. 
        Tiếp theo tôi nghe tiếng phản lực cơ F-104 “Star Fighter” gầm thét trên bầu trời như đe dọa những đơn vị Bắc Việt đang tìm cách tiêu diệt toán biệt kích. Viên phi tuần trưởng gọi toán biệt kích.
-          Shining Brass! Shining Brass! Đây là Lancer Leader.
-          Lancer Leader! Đây là Shining Brass. Mừng khi nghe tiếng bạn!
        Viên phi tuần trưởng cười, trả lời.
-          Nghe nói bạn đang gặp khó khăn ở dưới. Chúng tôi giúp được gì không?
-          Bạn dọn dẹp xung quanh bãi đáp, cách khoảng 50 thước được không?
-          Nhận rõ!
        “Ski” từ phiá bên kia đầu bãi đáp chạy trở lại báo cáo, có nhiều địch quân đang tiến về bãi đáp, anh ta cùng với Cẩn quay trở lại với toán biệt kích. Tôi gọi Lancer Leader.
-          Lancer Leader! Đây Shining Brass, Có nhiều địch quân di chuyển nơi đầu bãi đáp cách khoảng 300 thước, bạn dọn dẹp chỗ đó luôn giùm tôi.
        Mấy chiếc phản lực F-104 lao xuống thả bom, tiếng nổ điếc tai. Trung tá Call gọi lại cho biết, trực thăng cấp cứu đang vào, toán biệt kích chuẩn bị. Viên phi tuần trưởng “chơi đẹp”, nói tôi cùng toán biệt kích lo chuẩn bị bãi đáp, anh ta sẽ làm nhiệm vụ “điều không”. Tôi ra lệnh khiêng Lon ra bãi đáp, gọi mấy binh sĩ Nùng đang bố trí nơi đầu bãi đáp chạy trở vào “Nhanh lên! Nhanh lên!”.
        Thêm một phi tuần F-104 khác lên bao vùng. Cả toán biệt kích khiêng Lon đi vào khoảng trống bãi đáp. Toán bảo vệ của “Ski” cũng vào đến nơi, tôi vui mừng trông thấy cặp mắt Lon mở ra, có vẻ tỉnh táo. Tôi nghe tiếng động cơ trực thăng bay vào, đó là mấy chiếc trực thăng võ trang, bay vào bắn hỏa tiễn xung quanh bãi đáp. Rồi thì chiếc trực thăng H-34, Việt Nam do phi công Cowboy đáp xuống, anh ta đưa tay vẫy đám biệt kích. Tôi hối mấy biệt kích Nùng đưa Lon lên, cùng với mấy người bị thương. Chiếc H-34 cất cánh rời bãi đáp nhanh chóng.
        Chiếc thứ hai sẽ vào “bốc” những người còn lại của toán biệt kích. Chợt trung tá Call ra lệnh cho Mustachio (một phi công H-34 Việt Nam khác. Cowboy và Mustachio thuộc phi đoàn 219 trực thăng “Kinh Bee” rất nổi tiếng trong đơn vị SOG) tránh ra khỏi bãi đáp vì cả trung đội lính Bắc Việt đã vào sát bãi đáp. Các trực thăng võ trang lại phải bay vào làm một tour nữa. Mustachio theo sau đáp xuống. Tôi, và “Ski”, viên sĩ quan LLĐB/VN cùng hai binh sĩ Nùng leo thật nhanh vào trong máy bay.
        Mấy trực thăng võ trang vẫn bay vòng trên đầu bãi đáp cho đến khi chiếc H-34 đã ra khỏi bãi đáp an toàn. Về đến bộ chỉ huy Bắc (CCN) ngoài Đà Nẵng, tôi cùng với “Ski” vào câu lạc bộ uống vài chai bia với hai phi công H-34 Việt Nam. Chiều hôm đó, tôi cùng với “Ski” lên một chiếc C-47 bay vào Saigon trình diện đại tá Arthur D. “Bull” Simon chỉ huy trưởng đơn vị SOG.
        Đại tá Simon muốn trưởng toán biệt kích gặp ông ta đã trước khi báo cáo kết qủa lên cơ quan MACV. Đối với ông ta... phải làm việc tận lực. Trả viên sĩ quan LLĐB về lại đơn vị, cho Lon về hưu, thuyên chuyển các biệt kích Nùng qua đại đội Xung Kích Hatchet Force.

Lời Cuối:
1.      Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, những quân nhân mất tích bên Lào, không một người nào sống sót trở về.
2.      Trong các cuộc hành quân “vượt biên”, đơn vị SOG mất khoảng 400 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ.
3.      Trong tháng Năm 1968, bộ chỉ huy Trung (CCC, Kontum), một toán biệt kích lâm nguy, phi công trực thăng Hoa Kỳ không dám đi. Phi công Cowboy (Việt Nam) bay vào cứu thoát toán biệt kích đưa về Kontum. Trên đường về căn cứ, Cowboy rớt trực thăng tử nạn, để lại vợ và một con thơ.
Dallas, TX. 
vđh

No comments:

Post a Comment