Friday, May 6, 2011

MỤC TIÊU “BRA” (30/5/1970)


MỤC TIÊU “BRA” (30/5/1970)
By Col. Don Summers, edited by Robert L. Noe

        Phi đoàn 170 đã làm việc cho đơn vị SOG trong những chuyến hành quân bí mật, kể từ khi sang Việt Nam. Đến cuối năm 1969, phi đoàn đã nổi tiếng, được tín nhiệm làm việc hoàn toàn (full time) với đơn vị SOG trên Bộ Chỉ Huy Trung ở Kontum. Phi hành đoàn trực thăng trong phi đoàn 170 cũng say mê với nhiệm vụ, hy sinh tính mạng trong những chuyến bay đưa quân biệt kích SOG xâm nhập, triệt xuất hay cấp cứu. Tuy nhiên chỉ có một số rất ít tài liệu nói về phi đoàn này. Câu chuyện xẩy ra ngày 30 tháng Năm 1970 liên quan tới phi công trực thăng, chuẩn úy Brian J. Devaney là một trường hợp điển hình.
        Năm 1969, trận đánh Dak To gây cho phi đoàn 170 nhiều thiệt hại về nhân mạng cũng như phi cơ, dụng cụ. Nhiều người tử trận, số bị thương nhiều hơn, và nhiều người đã hết thời gian phục vụ tại Việt Nam được trở về Hoa Kỳ. Một chuẩn úy nổi tiếng can đảm, tận tâm phục vụ trong phi đoàn “Bikini Birds” (170), tình nguyện ở lại thêm sáu tháng để huấn luyện cho mấy phi công mới thuyên chuyển đến phi đoàn. Họ phải bay những phi vụ “đặc biệt” cho đơn vị SOG xâm nhập vào đất Lào và Miên.
        Chuẩn úy Brian J. Devaney, bạn bè thường gọi BJ là một sĩ quan Lục Quân Hoa Kỳ, nhưng sinh quán, quốc tịch Canada. Viên chuẩn úy rất dễ thương, cởi mở, sinh quán ở Toronto, Canada, qua Hoa Kỳ lúc còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn giữ quốc tịch Canada. Anh ta tình nguyện vào quân đội, tình nguyện qua Việt Nam, tình nguyện làm việc cho đơn vị SOG và tình nguyện ở lại thêm sáu tháng. Đó cũng là lần cuối cùng BJ tình nguyện.
        Trận tấn công trại LLĐB Dak Seang trong tháng Tư năm 1970, xẩy ra gần giống như trận đánh Dak To năm ngoái. Phi đoàn 170, một lần nữa “tiêu thụ” gần hết nhân lực và trực thăng. Những phi công còn lại đã quá mệt mỏi hoặc đã hết chịu nổi xin thuyên chuyển hoặc không còn khả năng bay những phi vụ nguy hiểm nữa. Trong khi những phi công mới đổi về để thay thế số quân nhân tử trận, bị thương, chỉ có phi công thuộc phi đoàn 57 Trực Thăng Tấn Công mới quen bay những phi vụ cho đơn vị SOG.
        Đêm 29 tháng Tư, Brian Devaney chợt ghé trung tâm hành quân, trên đường đi câu lạc bộ uống rượu, bia với bạn bè. Anh ta đã được cấp chỉ huy lấy tên ra khỏi bảng phong thần, chờ ngày trở về Hoa Kỳ. Chuyến phi vụ cuối cùng, Brian đưa một toán biệt kích xâm nhập mục tiêu “Bra” nơi phiá nam nước Lào. Lúc thả toán biệt kích, phi cơ bị trúng nhiều đạn súng trường nên không được an tâm cho toán biệt kích. Trong trung tâm hành quân, Brian được biết, toán biệt kích đang lẩn tránh, sau nhiều lần chạm súng với những toán truy lùng biệt kích của địch.
        Toán biệt kích SOG đang bố trí qua đêm trên một sườn đồi và báo cáo về, nghe nhiều tiếng động, di chuyển của quân đội Bắc Việt xung quanh vị trí đóng quân đêm. Đã có nhiều kinh nghiệm, Brian nhận thấy... rắc rối sắp xẩy ra cho toán biệt kích. Chàng ghi tên mình trong bảng phong thần cho các phi vụ ngày hôm sau, tình nguyện lên căn cứ hành quân tiền phương ứng chiến. Là người thâm niên, làm trưởng toán, cùng bay trên chiếc trực thăng với Brian có chuẩn úy Mike Taylor... Brian cảm thấy mình... có trách nhiệm với toán biệt kích đang lâm nguy. Sau đó Brian rời trung tâm hành quân đi câu lạc bộ.
        Mục tiêu “Bra”, ai cũng phải công nhận là chỗ “khó chơi” nhất trong các mục tiêu nơi hướng nam nước Lào. Khu vực được đặt tên là “Bra” vì hình dáng điạ thế của khúc sông, nơi đường 110 tẽ ra, đâm vào đường mòn HCM. Đường 96 chạy xuyên qua “Bra” là con đường huyết mạch (chính) để quân đội Bắc Việt chuyển quân cùng với đồ tiếp vận. Các hoạt động của địch trong khu vực “Bra” rất nhộn nhịp, tấp nập, các phi công trực thăng cũng như biệt kích SOG nghiến răng khi bốc thăm nhằm mục tiêu “Bra”.
        Binh trạm 37, một binh trạm lớn của quân đội Bắc Việt cũng nằm trong khu vực “Bra”. Căn cứ điạ này có những kho hàng chứa vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cùng những đồ tiếp vận của địch, sau đó được vận chuyển trên hệ thống đường mòn HCM vào miền nam Việt Nam. Binh trạm 37 được một tiểu đoàn Bắc Việt bảo vệ cùng những toán quân được huấn luyện kỹ càng để truy lùng, tiêu diệt biệt kích SOG xâm nhập.
        Xung quanh khu vực “Bra” có nhiều đơn vị phòng không được xây dựng từ năm 1968. Trực thăng MI-6 do Nga Sô chế tạo cũng đã được nhìn thấy trong khu vực “Bra”. Cả phi công trực thăng lẫn các toán biệt kích phải “vào” mục tiêu “Bra” vì được lệnh (hoặc bốc thăm). Không ai muốn tình nguyện, ngoại trừ Brian Devaney.
        Toán biệt kích SOG đang lẩn trốn trong khu vực “Bra” gồm có hai toán biệt kích quân người Thượng và toán biệt kích Hoa Kỳ gồm có: đại úy Smith, trung úy John Naurot, thượng sĩ Windel Glass, trung sĩ nhất Carnege, trung sĩ Carpenter, trung sĩ Richard Pinental, và trung sĩ Bennett. Sau khi phi đoàn 170 đưa toán biệt kích vào mục tiêu, toán biệt kích bắt đầu leo núi về hướng đường 96, định tổ chức phục kích, bắt sống tù binh đem về khai thác. Khi toán biệt kích di chuyển đến gần con đường, nghe nhiều tiếng người nói chuyện, nên lại gần để chụp ảnh đoàn quân Bắc Việt đang di chuyển trên đường. Sau đó toán biệt kích di chuyển xa ra khỏi con đường, lên sườn núi, đóng quân qua đêm. Cả đêm đó, toán biệt kích nghe nhiều âm thanh, tiếng động dưới thung lũng và định sáng hôm sau sẽ xuống dò thám.
        Sáng hôm sau, Brian cùng với ba trực thăng khác bay lên căn cứ hành quân tiền phương Dak To, ứng chiến để triệt xuất toán biệt kích. Đã quá quen thuộc với nhiệm vụ, bốn chiếc trực thăng phi đoàn 170 “Bikini” đậu song song trong bãi đáp. Trên trực thăng của Brian có phi cộng phụ, chuẩn úy Taylor, hạ sĩ John Martin cơ khí, và một xạ thủ đại liên M-60 (không biết tên). Sẽ là chiếc trực thăng bay đầu (lead). Chiếc trực thăng bay theo (chase, phụ) có chuẩn úy Rich Glover, một phi công “theo mùa” làm việc cho đơn vị SOG trên căn cứ hành quân tiền phương, cùng với thiếu úy Robert Talmadge. Trên chiếc trực thăng thứ ba là thiếu úy Greg Landers, cùng với đại úy Dave Gardner, người điều khiển dây “câu” (biệt kích) là chuẩn úy Alan Hoffman, chuẩn úy Kaseimngồi ghế bên phải. Khi ánh mặt trời lên cao hơn rặng núi (Trường Sơn) của Việt Nam, Brian cùng với phi hành đoàn ngồi “đấu láo” với phi công, phi hành đoàn trong phi đoàn Báo Hồng (Pink Panther) 361 trực thăng võ trang Cobras. Tất cả mọi người đều chờ đợi... tiếng gọi cấp cứu từ bên Lào.
        Trong khi đó, toán biệt kích SOG đã xuống núi, di chuyển ngang qua khoảng trống mà trực thăng đã đưa toán biệt kích xâm nhập ngày hôm qua. Khi toán biệt kích leo lên dốc bên kia, toán biệt kích dẫn đầu chạm “mặt đối mặt” với một đại đội lính Bắc Việt. Người lính biệt kích vác khẩu đại liên M-60 bắt buộc phải nổ súng, và trận đánh xẩy ra. Toán biệt kích SOG bố trí chống trả quyết liệt, rồi tiếng súng bớt dần. Toán biệt kích nghi ngờ địch đang chuyển quân qua bên trái vị trí phòng thủ của toán biệt kích để chặn đường rút lui. Đại úy Smith ra hiệu cho toán biệt kích lui nhanh về khoảng trống làm bãi đáp trực thăng, rồi tổ chức phòng thủ trong những hố bom, đồng thời báo về, yêu cầu triệt xuất toán biệt kích khẩn cấp.
        Khi báo về căn cứ hành quân tiền phương Dak To, lệnh đi “bốc” toán biệt kích khẩn cấp “nguội” (bãi đáp an toàn, không “nóng” có địch, không cần trực thăng võ trang yểm trợ). Dak To đã hỏi lại đại úy Smith có cần trực thăng võ trang không và ông ta trả lời, không. Vài phút sau khi nhận lệnh hành quân, Brian cùng hợp đoàn trực thăng lên đường.
        Tin tưởng bãi đáp “nguội”, nên chỉ có bốn chiếc trực thăng thuộc phi đoàn 170 bay đi “bốc” toán biệt kích, mấy chiếc trực thăng vọ trang Cobras phi đoàn 361 “Báo Hồng” không bay theo. Đến bãi đáp, các trực thăng bay vòng tròn trên đầu toán biệt kích, theo thứ đội hình để bay vào. Bãi đáp là một khoảng trống bị thả bom nên có nhiều hố bom và cây cối đổ nát, nên mỗi lần chỉ một trực thăng đáp xuống được. Brian lái trực thăng nhào xuống, tăng tốc độ, bay sát đầu ngọn cây vào bãi đáp trước.
        Khi gần đến bãi đáp, chiếc trực thăng bắt đầu trúng đạn súng trường của địch, cả hai khẩu đại liên M-60 hai bên trực thăng bắn xuống như mưa. Quân Bắc Việt bắn lên bằng đủ loại súng, B-40, đại liên 50, rất chính xác, từ đuôi lên đến đầu chiếc trực thăng đều trúng đạn. Chiếc trực thăng trúng đạn rung chuyển, lắc lư, Brian cố gắng giữ chiếc trực thăng bớt rung nhưng chỉ được vài giây. Trong khi đó ở dưới hố bom, trung sĩ Bennett, cùng một toán viên của anh ta sẽ được đi trước, nên chạy ra khi chiếc trực thăng vừa đáp xuống.
        Khi chiếc trực thăng vừa cất cánh, đạn bắn lên trúng JohnMartin hai viên, một mảnh đạn đại liên 50, xuyên qua sau ghế phi công trúng vào lưng Brian, rồi đổi hướng đi vào tim. Chiếc trực thăng trúng thêm nhiều đạn đại liên, rung lên. John Martin biết trực thăng sắp rơi, vội cầm vũ khí ráng gượng đứng dậy, rồi ngã xỉu. Tiếp theo một tiếng nổ lớn (B-40) nơi trước mũi trực thăng, chiếc máy bay nghiêng qua, nghiêng lại rồi rơi xuống đất. Trung sĩ Bennett bị bắn tung ra ngoài, biệt kích Thượng nhẩy ra khỏi trực thăng bị bắn chết. John Martin đã ngất xỉu, rơi ra ngoài, trúng thêm một viên nữa vào ngực, nhưng áo giáo đã cứu mạng anh ta... Và như một phép mầu nhiệm, John vẫn còn sống với chúng ta.
        Chứng kiến chiếc trực thăng bị bắn rơi, thượng sĩ Glass nhẩy lên khỏi hố bom, chạy lại đến chiếc trực thăng nằm nghiêng, xăng dầu chẩy lan ra mặt đất, dính vào John Martin đang nằm ngất, nhưng đang lồm cồm bò vào bìa rừng, có những hàng cây tránh đạn. Đạn của địch vẫn tiếp tục cầy xới bãi đáp, trúng vào thân cây, tiếng đạn đại liên 50 như muốn xé chiếc trực thăng ra làm nhiều mảnh. Glass chạy lại vác  Martin lên vai giữa tiếng súng của địch, nhẩy xuống một hố bom. Sau đó, Glass chạy đến chiếc trực thăng, bên trong Taylor đang bận rộn với xác chết Brian, chân anh ta bị gẫy vì rớt trực thăng. Một lần nữa, thượng sĩ Glass cõng xác Brian chạy về hố bom tránh đạn, trong khi Taylor chạy lết bết phiá sau. Cuối cùng, Glass chạy ra bế xác người lính biệt kích Thượng về hố bom.
        Toán biệt kích SOG vội vàng báo cho mấy trực thăng khác tránh xa bãi đáp, địch quân có súng đại liên phòng không cùng với đủ loại súng trường, súng phóng hỏa tiễn B-40 trong khu vực bãi đáp, đồng thời yêu cầu không yểm lên thả bom xung quanh bãi đáp. Bốn khu trục A-1 Skyraiders được điều động lên thả bom, tác xạ trên vị trí địch quân, và khu vực xung quanh bãi đáp cho trực thăng vào “bốc” toán biệt kích cùng phi hành đoàn chiếc trực thăng bị rơi.
        Khi bãi đáp đã được “dọn dẹp” sạch sẽ, Glover chúi mũi chiếc trực thăng bay vào bãi đáp nơi toán biệt kích đang bị hỏa lực của địch đàn áp. Landers cũng lái chiếc trực thăng bay theo. Vào đến bãi đáp, chiếc trực thăng cũng bị bắn, Glover vẫn bình tĩnh đợi cho toán biệt kích, phi hành đoàn leo lên trực thăng. Mike Taylor gặp khó khăn đưa xác Brian lên chiếc trực thăng, trong khi đó, thiếu úy Naurot cõng Martin chạy ra trực thăng rồi đỡ anh ta lên. Khi mọi người đã lên đầy đủ, Glover cho đuôi chiếc trực thăng quay về hướng hố bom để cất cánh. Cánh quạt đuôi trực thăng chém vào cành cây bị hư hại, tuy nhiên Glover vẫn cố gắng lái chiếc trực thăng bay ra khỏi những loạt đạn bắn theo của địch.
        Theo sau Glover, hai trực thăng còn lại bay vào cứu phần còn lại của toán biệt kích dưới làn mưa đạn của địch quân. Khi đã an toàn, Talmadge quay lại nhìn Taylor đang ôm đầu Brian đặt trên dùi anh ta, Taylor khẽ lắc đầu. Talmadge tháo dây đai an toàn, bước vào trong bụng trực thăng cố gắng làm cho tim Brian đập trở lại, rồi nói Glover bay thẳng đến bệnh viện 71 dã chiến ở Pleiku. Glover trả lời, chiếc trực thăng đã bị hư hại sợ không được... Trả lời thế nhưng Glover vẫn đổi hướng bay, thay vì về Ben Het, bay thẳng đi Pleiku.
        Chuẩn úy Alan Hoffman cũng bay theo Glover (tình chiến hữu, đồng đội). Nhìn qua chiếc trực thăng của Glover, Hoffman nói, trông thấy Brian đưa tay lên. Talmadge vẫn cố gắng làm cho tim Brian đập trở lại suốt thời gian bay. Họ đến bệnh viện 71 dã chiến ở Pleiku và Brian được đưa vào phòng cấp cứu ngay tức khắc. Vài phút sau, bác sĩ bước ra nói với các bạn của Brian rằng, Brian đã chết, mảnh vỡ đạn đại liên đi vào tim. Cả đám phi công, biệt kích SOG khóc như trẻ con. Sự hy sinh của Brian Devaney làm cả đơn vị tiếc thương.
Dallas, Texas
vđh

No comments:

Post a Comment